1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Sao lại đẩy cái khó, cái khổ cho dân?

(Dân trí) - Đó là "ý tứ" của đại biểu Huỳnh Thanh Nhân khi đề cập đến thực trạng ngập và chống ngập trên địa bàn TPHCM. Vấn đề được đưa ra bàn trong buổi chiều ngày 9/12, tại phần thảo luận tổ của kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII.

Thời gian qua, nhiều chương trình chống ngập trên địa bàn TPHCM đã được đưa ra nhưng thiếu khoa học và không hiệu quả. Ngập vẫn hoàn ngập. Người dân vẫn phải bì bõm trên nhiều đoạn đường mỗi khi trời mưa kéo dài hoặc triều cường. Chính vì vậy, trong phiên thảo luận tổ vào chiều 9/12, kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII, các đại biểu bày tỏ sự bức xúc khi chương trình chống ngập của TP chưa thật sự đem lại hiệu quả rõ nét. 

Đường Hòa Bình (đoạn trước Đầm Sen, quận 11) là điểm ngập bao năm nay vẫn chưa được xóa

Đường Hòa Bình (đoạn trước Đầm Sen, quận 11) là điểm ngập bao năm nay vẫn chưa được xóa

Đẩy cái khó, cái khổ cho dân

Theo tổng hợp của HĐND TPHCM, nhiều cử tri Q.1 có ý kiến đề nghị UBND TP đánh giá kết quả của việc thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015. Năm 2014, chỉ tiêu chống ngập được HĐND TP đặt ra là phải xóa, giảm 6 điểm ngập do mưa và 3 điểm ngập do triều (triều cường) nhưng các cơ quan chống ngập chỉ mới xóa được 2 điểm ngập do mưa và 1 điểm ngập do triều.

Thực trạng chống ngập nhưng ngập vẫn hành dân đã khiến không chỉ đông đảo cử tri mà các đại biểu HĐND cũng bức xúc.

Đại biểu Huỳnh Thanh Nhân khẳng định, chống ngập thời gian qua chưa hiệu quả, chưa khoa học. Có một bất cập là chống ngập đường bằng cách nâng đường cao. Từ đấy, đường không còn ngập mà điểm ngập bắt đầu di chuyển từ đường vào nhà dân khi nền nhà thấp hơn mặt đường. “Mình được lợi cho mình nhưng đẩy cái khó, cái khổ cho dân. Vậy phải tính sao cho hợp lý chứ để ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Nhân nói.

Góp ý về vấn đề chống ngập, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị trong báo cáo của UBND cần có địa chỉ cụ thể về điểm ngập, điểm nào đã khắc phục, chưa khắc phục, mới phát sinh, để đưa vào chỉ tiêu giảm ngập năm 2015.   

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Đừng đổ lỗi ngập là do trời!

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Đừng đổ lỗi ngập là do trời!

Nguyên nhân ngập do... ta!

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM, “trần tình” về việc chỉ tiêu chống ngập năm 2014 không đạt. Ông Dũng thừa nhận, thời gian vừa qua các tuyến đường TP đã được đầu tư lớn về quy mô, căn cơ để chống ngập. Do đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông rạch chằng chịt và đỉnh triều mỗi năm mỗi tăng cao nên một phần diện tích của TPHCM hiện vẫn thấp so với mực triều cường nên còn ngập. Thời gian gần đây, tại TPHCM các đỉnh triều cường tăng liên tục và hiện nay đang giữ mức 1,68m tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), do đó một phần diện tích của thành phố nằm thấp hơn so với đỉnh triều cường.

Ông Dũng cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2011 – 2015, thành phố xử lý 58 điểm ngập, trong đó ưu tiên xử lý ngập cho vùng trung tâm thành phố trước. Cuối năm 2013, đã xử lý được 47 điểm ngập, năm 2014 kế hoạch xử lý thêm 6 điểm ngập do mưa và 2 điểm ngập do triều. Tuy nhiên, đến nay rà soát lại cả năm 2014 chỉ xóa được 2/6 điểm ngập do mưa.

Tình trạng ngập nặng ở TPHCM làm nóng phiên thảo luận.

Tình trạng ngập nặng ở TPHCM làm "nóng" phiên thảo luận.

Năm 2015, TPHCM sẽ tiếp tục xử lý 8 điểm ngập do mưa gồm: đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường An Dương Vương (quận 8), đường Hồ Ngọc Lãm, đường Trần Đại Nghĩa (Bình Tân), đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân (Thủ Đức) và hai điểm ngập do triều là đường Lương Định Của (quận 2) và đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7).

“Hiện TPHCM còn khoảng 650 km2 cần bổ sung đủ số cống, với chiều dài khoảng 6.000 km, để chống ngập. Trung tâm TP được lấy làm trọng điểm để ưu tiên chống ngập trước, sau đó sẽ đến các vùng ngoại vi. Để chống ngập do triều thì khu vực trung tâm TPHCM và bờ hữu sông Sài Gòn sẽ được đầu tư 13 cống kiểm soát triều, kết hợp với tuyến đê dài 172km để tạo vòng vây bảo vệ TPHCM”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng diễn giải thêm về nguyên nhân “Hòn ngọc Viễn Đông” vẫn còn ngập. Ông Chung cho rằng hiện đang tồn tại hai dạng ngập: ngập do triều và ngập do mưa.

Một số vùng tại thành phố được quy hoạch cốt nền đảm bảo chống ngập ở mức 1,7 m và 1,58 m nhưng thực tế do tác động biến đổi khí hậu, trong năm 2014 mực triều cường lên rất nhanh, từ 1,32 m tăng lên 1,58 rồi đến 1,68 m và hơn 1,7 m. Các điểm ngập phát sinh mới cũng từ đây. Ngoài ra ngập cũng do mưa.

Khi nghe Giám đốc Sở GTVT đánh giá về chương trình chống ngập là “do triều và do mưa”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cắt ngang phát biểu của ông Chung: “Đồng chí nãy giờ nói thành phố ngập do mưa, do triều nhưng còn nguyên nhân nữa là ngập do ta mà chưa thấy nói đến. Đề nghị Giám đốc Sở nói thêm nguyên nhân ngập do ta”.

Công Quang