1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sang Nga làm “nhá nha”

Nét đặc trưng của các “đôm”, “ốp” (chung cư) của người Việt tại Matxcơva là chiều chiều trong sân có rất nhiều phụ nữ đẩy xe nôi đưa trẻ đi dạo. Nét mặt họ không ngời lên hạnh phúc của người mẹ.

Quả họ không phải là mẹ của những đứa bé ấy. Con cái của họ, đã khá lớn rồi, và đang ở nơi nghìn trùng xa cách. Họ sang Nga làm “nhá nha” (tiếng Nga có nghĩa là người trông trẻ), xuất thân từ những vùng nông thôn Bắc bộ đất chật người đông. Ôm con thiên hạ ở xứ sở xa lạ, những phụ nữ Việt đau đáu nỗi nhớ con, thương chồng và mất ăn mất ngủ vì mấy chục triệu đồng vay nóng để làm lộ phí “đi Tây”.

Đã có thời “nhá nha” rất có giá trong cộng đồng người Việt. Đó là mười năm trước khi việc làm ăn còn rất thuận lợi. Bố mẹ mê mải buôn bán, phải giao cậy con cho người trông hộ. Cung ít, cầu nhiều nên người trông trẻ không chỉ đòi lương cao mà còn kén cả chủ ăn ở sạch sẽ, tính cách rộng rãi. Công xá 400-500 USD/tháng, chưa kể ngày hai bữa cơm. Những người trông trẻ thường chỉ làm “chuyên môn” vài ba năm. Tích cóp vốn liếng rồi ra chợ bán lẻ. Nhưng thời đó đã qua rồi.

Bây giờ giá chung cho công việc trông trẻ ở Matxcơva là mỗi tháng là 200 USD, ăn ở với chủ mà tìm việc không dễ. Dẫu công việc không quá nặng nhọc, nhưng ở nơi đắt đỏ như ở Matxcơva nếu nộp các khoản lệ phí giấy tờ thì số tiền còn lại chẳng là bao.

Với các “nhá nha” Việt mỗi ngày hai lần đưa trẻ đi dạo là thời gian hạnh phúc nhất. Thoát khỏi các căn phòng ngột ngạt, được hít thở không khí trong lành, trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ, trao đổi thông tin “nghiệp vụ”. Cách giải tỏa stress của họ chỉ có thế. Khoảnh sân xung quanh “ốp” là thế giới riêng của họ. Người ta gọi vui những lần “nhá nha” cho trẻ em đi dạo và tụ tập nói chuyện là “sinh hoạt công đoàn”.

Nguy cơ “tụt hạng”

Hàng chục vạn người Việt ở Nga làm nhiều thứ nghề. Hiện tại khốn khó nhất là thợ trồng rau, gian nan tiếp theo là thợ may và kế đến là tầng lớp “nhá nha” dễ tổn thương. Tình trạng pháp lý của những người làm các nghề nói trên yếu hơn hẳn so với mặt bằng chung của cộng đồng. Đặc biệt “nhá nha” rất dễ trở thành thợ may và thợ trồng rau.

Quan hệ giữa “nhá nha” và gia chủ không được đảm bảo bằng một văn bản nào, ngay cả một tờ hợp đồng viết tay cũng không nốt. “Ký hợp đồng” bằng miệng và “phá hợp đồng” cũng chỉ bằng cái lắc đầu, nên nghề “nhá nha” là một nghề dẫu nhẹ nhàng nhưng khá bấp bênh.

Theo lý thuyết, trong vòng một năm các “nhá nha” sẽ trả hết khoản tiền vay nợ ở quê nhà để làm lộ phí sang Nga. Khoản tiền công hằng tháng hầu như chẳng tiêu pha gì bởi ngay cả vài chục phút điện thoại gọi về thăm chồng con cũng có thể xin được ở gia chủ. Từ năm thứ hai trở đi là thời gian “ăn ra”, tức là tích cóp để dành.

Nhưng trên thực tế không phải “nhá nha” nào cũng có việc quanh năm hoặc “gối vụ” giữa gia chủ này với gia chủ khác. Thời gian trống ngốn khá nhiều tiền để chi trả cho cuộc sống, đặc biệt là tiền thuê nhà ở. Chị Hà (quê Phú Thọ) sang Nga nửa năm mà chưa có việc làm. Đến khi được thuê trông trẻ thì tiền công nhiều tháng phải bù vào khoản vay nợ tại chỗ. Chị chưa dám nghĩ đến 40 triệu đồng vay nợ ở quê.

Và còn rất nhiều “nhá nha” khác, phần vì không biết tiếng, lại chẳng giỏi việc giấy tờ nên mang tiếng sang Nga mà chẳng biết gì xung quanh ngoài căn hộ mình tạm trú. Chị Mận (quê Ninh Bình) kể rằng chị sang Matxcơva làm nghề “bế em” đã năm năm, thay đổi tám gia chủ nhưng chưa bao giờ đi quá “ốp” R. 300m.

Nước Nga trong mắt chị chỉ là khuôn viên của “ốp” và những gì chị thấy trong những lần đi mua sữa ở cửa hàng cạnh đấy. Ngay đến hai “thắng cảnh” của thủ đô LB Nga mà bất cứ người Việt nào ở Matxcơva cũng ít nhất một lần muốn đến là chợ Vòm và tàu điện ngầm thì chị cũng chưa đặt chân tới. Chị tiếc rằng lần đi taxi từ sân bay Sheremetevo - 2 về “ốp” vì say xe và mệt nên không nhìn ngó được gì.

Hiện tại nghề “nhá nha” đang khó khăn. Chợ búa biến động, kinh doanh kém nên nhiều cặp vợ chồng trẻ cho “nhá nha” nghỉ việc để mẹ ở nhà trông con hoặc gửi con về nước. Cũng có không ít trường hợp cả nhà quyết định hồi hương tạm thời hoặc vĩnh viễn. Cơ hội tìm việc làm của người trông trẻ càng trở nên bấp bênh. Những ngày sắp tới hứa hẹn sẽ còn nhiều thử thách hơn nữa.

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm