Sáng nay, gần 600 nghìn thí sinh thi môn Toán
(Dân trí) - Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là cuộc đấu trí cam go của hơn 600 nghìn thí sinh khối A, V. Vẫn tâm lý lo sợ bị tắc đường nhiều thí sinh và phụ huynh đã dậy từ sáng sớm, có mặt tại trường thi lúc mới hơn 5 giờ.
Trong đợt thi này, cả nước có 974 điểm thi, 24.211 phòng thi nhưng số thí sinh thực tế đến dự thi so với hồ sơ đăng ký dự thi đã “hụt” tới hơn 300 nghìn, kéo theo gần 5.000 phòng thi bị bỏ trống với số tiền lãng phí lên đến hàng tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, các trường ĐH đã huy động gần 55.000 cán bộ tham gia thi. Bộ GD-ĐT cũng tiến hành 19 đoàn thanh tra giám sát mọi công tác liên quan đến kỳ thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Trong quá trình thi, một cán bộ A25 tham gia trực ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra lưu động của Bộ đều có cán bộ của Cục này tham dự.
So với kỳ thi năm 2007 thì không có nhiều khác biệt nhiều. Các thí sinh vẫn tham dự 4 môn thi trắc nghiệm gồm Vật Lý, Hóa, Sinh và Ngoại Ngữ, các môn thi khác vẫn thi theo hình thức tự luận.
Đề thi được xây dựng bởi đội ngũ hơn 70 người là giảng viên đại học và THPT ở cả 3 miền đất nước. Năm nay, Bộ GD-ĐT không những chỉ chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho đợt 1 và đợt 2 mà còn ra đề thi chung cả môn thi trắc nghiệm và tự luận đối với các trường CĐ tự tổ chức thi đợt 3.
Đây là năm thứ 7 thực hiện phương thức thi 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển. Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì đây có thể là năm cuối thực hiện phương pháp thi “3 chung”.
Áp lực tuyển sinh gia tăng trở lại
Năm 2007, các yếu tố cấu thành nên độ “nóng” của kì thi tuyển sinh có giảm nhiệt nhưng với chủ trương là bỏ kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 đã hâm nóng lại cho kì thi tuyển sinh năm nay.
Tâm lý lo ngại trượt đại học và những rắc rối có thể xảy ra đối với kì thi tuyển sinh năm sau đã tạo nên một tâm lý khá căng thẳng trước kì thi. Các lò luyện thi sau hơn 1 năm “rệu rạo” lại tiếp tục có cơ hội được chứng tỏ mình.
Tuy nhiên, số thí sinh ở các tỉnh lẻ “đổ” về các thành phố lớn luyện thi chỉ gia tăng nhẹ so với năm 2007. Có khoảng 40% thí sinh Hà Nội và 45% thí sinh TPHCM đến luyện thi tại các lò luyện. Không khí chen chúc nóng bức của những ngày luyện thi cấp tốc ở các thành phố lớn năm nay đã tái diễn trở lại.
Năm 2008, số lượng thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT tăng hơn 10% so với năm 2007. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự cạnh tranh “khốc liệt” giữa các khối thi.
Theo dự đoán của các chuyên gia tuyển sinh, với xu hướng hiện nay thì nguy cơ điểm chuẩn gia tăng là điều khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long thì với việc hồ sơ ĐKDT gia tăng lên 18% nhưng chỉ tiêu của các trường cũng tăng lên 10% nên có thể sức ép đối với thí sinh gia tăng phần nào. Tuy nhiên theo xu hướng các năm trở lại đây thì điểm sàn sẽ khó có biến động nhiều, nếu có biến động thì chỉ ở mức tăng 0,5 đến 1 điểm mà thôi.
Chống gian lận - nhiệm vụ hàng đầu
Mọi gian lận trong kỳ thi ĐH đều đã được định hình và đều đã có giải pháp để đối phó - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bành Tiến Long, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT.
4 tháng trước khi kỳ thi ĐH chính thức diễn ra, Bộ GD-ĐT đã tập huấn nghiệp vụ máy tính phục vụ tuyển sinh có tích hợp chức năng chống gian lận trong tuyển sinh như: thi hộ, thi kèm, chống dùng giấy chứng nhận kết quả giả... cho 64 Sở GD-ĐT và 336 trường ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, về cơ bản, quy chế vẫn giữ như năm trước nhưng năm nay sẽ quy định cụ thể việc xử lý các vi phạm như mang điện thoại vào phòng thi: Thí sinh bị đình chỉ thi; giám thị là công chức sẽ bị xử lý theo pháp lệnh công chức hoặc theo pháp luật.
Trong thời gian thi, người nào để lọt đề thi ra ngoài sẽ bị xử lý theo quy chế thi, thậm chí còn bị xử lý hình sự vì đề thi thuộc bí mật quốc gia. Thí sinh làm xong bài sớm cũng phải nộp lại đề thi cho giám thị.
Nếu sinh viên tham gia đường dây thi thuê, thi hộ sẽ bị buộc thôi học và có thể bị cấm thi thi 2 năm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với lực lượng công an ở các quận trên địa bàn Hà Nội có “chợ phao thi” để ngăn chặn kịp thời việc mua tài liệu mang vào phòng thi gian lận.
Một trong những gian lận tinh vi đó là sử dụng thiết bị công nghệ cao đã được Bộ GD-ĐT đưa vào tầm ngắm. Với việc PA 25 đã chuẩn bị phương tiện phá sóng điện thoại trong khu vực thi khi phát hiện và sẽ xử lý cụ thể đối với trường hợp gian lận bằng điện thoại nên các đối tượng dù có tinh vi đến mấy cũng sẽ bị phát hiện. Bên cạnh đó, các cuộc đàm thoại bằng điện thoại di động trên 30 phút sẽ được khoanh vùng.
Cùng với sự hậu kiểm ráo riết từ phía các trường thì Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT sẽ thường xuyên theo dõi, phân tích các dữ liệu điểm thi để phát hiện ra các cặp thi hộ, thi kèm và đã phát hiện ra hàng chục trường hợp gian lận.
Tất cả thí sinh có tên, ngày tháng năm sinh trùng nhau, có biểu hiện nghi ngờ thì khi đánh số báo danh đều bị xáo trộn vào các phòng thi khác nhau. Khi có kết quả thi, Trung tâm tin học sẽ kiểm tra lại kết quả của những thí sinh nghi ngờ và “dò” lại hồ sơ để kiểm tra.
Chùm ảnh các thí sinh trong ngày đầu thi ĐH 2008:
5h30 sáng nay, rất nhiều thí sinh đã có mặt tại địa điểm thi với tâm trạng khá căng thẳng
6h30 các giám thị đầu tiên tới mở cửa phòng
Các giám thị đánh dấu vị trí ngồi của thí sinh tại trường ĐH Hà Nội
Và bắt đầu gọi thí sinh vào phòng lúc 6h45
Mọi vật dụng mang vào phòng thi được kiểm soát chặt chẽ
Một thí sinh đến chậm giờ, rất may cho thí sinh này là thời gian được phép vào phòng thi vẫn còn
Các giám thị tại trường ĐH Hà Nội phải tham vấn cấp trên về những trường hợp máy tính không có trong danh mục rồi mới được phép cho thí sinh mang vào phòng thi
6h55 các giám thị lên phòng hội đồng thi để nhận bao đề thi
7h05 thí sinh chứng kiến bóc đề thi vẫn còn niêm phong và bước vào 180' cho môn thi đầu tiên
Các thí sinh tại hội đồng thi trường ĐH Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội
Không khí thi rất nghiêm túc
Ngay cả phóng viên có giấy phép của Bộ GD & ĐT cũng phải tiếp cận phòng thi từ rất xa để đảm bảo thí sinh không bị phân tâm cũng như an ninh cho bài thi sáng nay.
Bài: Nguyễn Hùng