1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Sản xuất nước ngọt bằng nước giếng pha phẩm màu

Trong căn phòng rộng khoảng 30 m2, tại huyện Hóc Môn, TPHCM, một dây chuyền sản xuất nước giải khát hương trái cây đóng chai rỉ sét được đặt trên nền xi măng cũ kỹ, lồi lõm và loang loáng nước pha với phẩm màu.

Có khoảng 5-7 người làm việc trên dây chuyền này. Người đầu tiên lấy một chai không chưa qua vô trùng, để sẵn trong các túi nilon khổng lồ cạnh đó, đưa cho người đứng kế bên đặt lên dây chuyền để bơm nước có ga vào. Nguồn nước để sử dụng được bơm từ giếng khoan. Sau khi được bơm nước có ga, chai 1,25 ml chạy tới chỗ tiếp theo. Tại đây một người tay cầm phễu, tay kia cầm cái ca múc thứ dung dịch có màu đỏ quạch vào chai. Đó là loại nước pha từ phẩm màu không nhãn mác, nguồn gốc, với hương liệu các loại trái cây như nước cam, vải, me, mãng cầu... Người tiếp theo làm nhiệm vụ rót thêm nước có ga vào cho đầy từng chai, rồi chuyển cho người vặn nút. Khâu cuối cùng là siết miệng chai bằng máy tự động.

 

Thế là sản phẩm đã hoàn chỉnh, được mang ra một nơi khác - chung với chỗ để chai lọ chờ sử dụng chưa được súc rửa - phơi cho vỏ khô rồi đem dán nhãn. Cuối cùng những chai nước với nhãn mác màu sắc tươi tắn được đóng thùng với những dòng chữ, hình ảnh in offset rất đẹp, đưa đi phục vụ các "thượng đế" ở khắp nơi.

 

 

Sản xuất nước ngọt bằng nước giếng pha phẩm màu - 1
 

Sản phẩm đóng gói rất sang trọng
và bắt mắt.

Một thùng 12 chai 1,25 ml chỉ có giá 45.000 đồng. Những sản phẩm này được các khách hàng ở những vùng xa thành phố đón nhận nồng nhiệt. "Với một dây chuyền sản xuất có 7 người, mỗi ngày chúng tôi cho ra đời hàng trăm thùng vẫn tiêu thụ sạch veo. Cơ sở tôi tồn tại gần 10 năm rồi, số lượng sản xuất mỗi ngày mỗi khá", chủ cơ sở tiết lộ.

 

Ông ta cũng cho biết thêm, để tiết kiệm, các công đoạn trong quy trình sản xuất khép kín nói trên, từ súc rửa chai đến dán nhãn đóng gói, cơ sở này đều tự làm lấy. Do đó việc súc rửa chủ yếu là "lấy nước làm sạch, phơi khô là ổn"; hóa chất để pha chế không cần bảo quản, được để lẫn lộn với những vật dụng linh tinh khác.

 

Tình trạng trên cũng tương tự ở nhiều cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ lẻ khác trên địa bàn TPHCM, vừa được đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thanh tra mấy ngày nay.

 

Bác sĩ Lê Phi Hiền, cán bộ chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết: "Ngoài một số ít các nhãn hiệu nước giải khát lớn là có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), các cơ sở nhỏ lẻ đều rất yếu kém về công tác vệ sinh trong sản xuất. Nếu thanh tra hết thì có vô số cơ sở sẽ bị đình chỉ hoặc cấm sản xuất".

 

Qua thanh tra, đa số công nhân tại các nơi này không được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất, phân khu sản xuất, vệ sinh sàn nhà, cống rãnh thoát nước, chống gió, vệ sinh định kỳ cơ sở, thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng trong chế biến... hầu như không có nơi nào đảm bảo. Việc thực hiện quy trình sản xuất một chiều là điều xa lạ với các cơ sở này. Ngoài ra, họ còn vi phạm một loạt các quy định như: ghi nhãn không đúng như công bố, không nơi để nguyên phụ liệu riêng, nguyên liệu không nhãn mác, không lưu giữ sản phẩm...

 

Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An, nhìn nhận: "Thực trạng sản xuất nước giải khát ở các cơ sở nhỏ lẻ hiện nay là rất khó kiểm soát. Vì những quy định còn nhiều vấn đề bất cập, nên việc quản lý của các cơ quan ban ngành cũng gặp nhiều khó khăn". Ông An cho biết thêm, việc lấy mẫu đi xét nghiệm rất khó, vì không có cán bộ y tế chứng kiến nên không thể bảo đảm nhà sản xuất trung thực. Hơn nữa nhân sự chuyên trách thanh tra quá thiếu nên khó kiểm soát được tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất. Thậm chí có khi ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động một cơ sở vi phạm rồi không thực hiện... vì không có nhân sự giám sát.

 

Theo bác sĩ Lê Phi Hiền, sản xuất thực phẩm có đường dễ bị nấm mốc nên nếu bảo quản vỏ chai không tốt, không khử trùng đúng điều kiện quy định thì sản phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn. Các chủ sản xuất thường dùng đường hóa học trong khi pha chế. Đường hóa học có trong danh mục cho phép nhưng liều lượng quá nhiều cũng gây ra các nguy cơ ngộ độc như các loại đường không được phép sử dụng. Tác hại của nó là làm người ngộ độc bị mất nước, đau bụng, tiêu chảy cấp, nôn ói... Những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

Theo Võ An
VnExpress