1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Săn” trâu chiến và chuyện trâu uống cao hổ cốt

Để có được những trận chọi trâu đầy kịch tính và thành công trong các lễ hội chọi trâu, các “ông” trâu phải trải qua những giai đoạn chọn lọc và đào tạo cực kỳ tinh vi, phức tạp.

>> Sức hấp dẫn của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

 

Theo chân người đi săn

 

Làm xong hộ chiếu, tôi theo Tùng, tay lái trâu có thâm niên sang Lào săn trâu chọi. Tùng trước đây chỉ là tay lái trâu dạng cò con ở chợ Dinh Si - Yên Thành - Nghệ An. Biết ở các lễ hội chọi trâu như Hải Lựu - Lập Thạch - Vĩnh Phúc; Đồ Sơn - Hải Phòng rất cần trâu chọi, cộng với sự nhanh nhạy bẩm sinh, lại có ít kinh nghiệm xem tướng trâu, nên Tùng móc nối với rất nhiều mối làm ăn trong Nam, ngoài Bắc, để săn trâu. Khi đã có vốn, Tùng tậu hẳn xe Huyndai để chở trâu đi các nơi bán.

 

Tùng kể: “Trước đây mình chỉ cần đến các vùng miền tây Nghệ An là có trâu chọi nhưng giờ hiếm lắm nên phải sang Lào. 6 năm nay, mỗi tháng mình sang Lào một lần. Săn trâu chọi phải biết coi tướng cho chuẩn mới chắc ăn, ngoài kinh nghiệm và kiến thức sách vở ra thì trực giác cũng rất quan trọng… Con trâu nào hội tụ đủ những yếu tố của một trâu chiến bẩm sinh thì vô địch - Giá bán có khi lên tới 70 - 100 triệu đồng...”.

 

Chúng tôi qua cửa khẩu và lùng sục khắp vùng Lạc Xao (Lào) trong 3 ngày nhưng chẳng tìm được con  “chọi” ưng ý. Tùng bảo săn trâu chọi, đi về tay không là chuyện bình thường. Chúng tôi lại lên xe chạy lật cánh cung sang Hủa Phăn. Nơi đây núi rừng trùng điệp nhưng có thung lũng Pơ xi Luông rất rộng lớn - từng đàn trâu bò đang thung dung gặm cỏ.

 

Chúng tôi tìm đến nhà anh Châu người Yên Thành sang đây làm ăn đã lâu. Châu là cộng tác viên săn trâu chọi đắc lực của Tùng. Chúng tôi đang ăn cơm chiều thì Châu có điện thoại gọi đến. Nghe xong, Châu vỗ đùi đánh đét: “Có hàng rồi, hàng xịn!”.

 

Nhận điện thoại, chúng tôi lên đường ngay, trầy trật mãi đến 12 giờ đêm mới tới nơi. Nhưng, thật thất vọng, con trâu chọi ấy đã bị bắn thuốc mê, cho lên xe tải chuẩn bị về Việt Nam. Món hàng xịn đã bị kẻ săn trâu khác tên Sơn “tầm ngưu” “hớt tay trên”.

 

Gần 10 sau, chúng tôi mới tìm được con trâu khá ưng ý ở bản Noọng Hạy. Xem và ngã giá trong vòng 30 phút, Tùng đồng ý mua với giá 21 triệu đồng.

 

Cho 7 con trâu thịt lên xe và cho con “21 triệu” lên chuồng bịt tôn riêng, chúng tôi lên xe hồi hương.

 

Kỹ nghệ chăm trâu

 

Xe chạy qua rất nhiều đoạn đường rừng hoang vắng. Tùng kể: “Bây giờ an ninh tốt chứ hồi xưa xe chạy qua lối ni thỉnh thoảng bị phỉ “đòm”. Có lần xe mình bị hắn “đòm” cho xịt lốp, đạn bay chiu chíu ngang tai, may mà bật ca bin nhanh lẩn vô rừng đêm không thì bỏ mạng. Sáng ra mới dám ra thay lốp. Thật hú vía”

 

Qua cửa khẩu, Tùng phi xe một mạch và dừng lại ở thành phố Nam Định. Hỏi Tùng tại sao lại dừng tại đây. Tùng cho biết: Dừng lại đây để giữ bí mật. Đã là trâu chọi thì bí mật chừng nào hay chừng đó.

 

Vì đã điện thoại từ trước nên chỉ 15 phút sau đã có chiếc xe tải phi đến. Một người đàn ông to béo, trán hói bước xuống hất hàm: “Cho xuống!”. Tùng mở chuồng bắc cầu dắt con “21” xuống. Sau một hồi xem xét, ông ta ngã giá 30 triệu đồng. Tùng gật đầu và giúp con “21” sang xe. 

 

Tôi thắc mắc là tại sao không đòi thêm. Tùng cười: “Buôn bán trâu chọi có luật bất thành văn, đã buôn bán hàng này là ai cũng thẩm giá tốt nên không bao giờ được cò kè. Trâu hay nhưng cò kè thêm bớt thì họ cũng không mua vì sợ xui”.

 

Tôi đến Đồ Sơn để gặp Sơn “tầm ngưu”. Chúng tôi ngồi nhậu với nhau ở một quán ven biển khá vui vẻ. Sơn cho biết, con trâu hôm trước anh mua 9 triệu nhưng đã bán được với giá 46 triệu.

 

“Săn” trâu chiến và chuyện trâu uống cao hổ cốt   - 1
 

 

Biết tôi có nhã ý muốn tìm hiểu cách thức chăm sóc và huấn luyện trâu chọi. Sơn bảo: “Trong thời gian chăm sóc, huấn luyện, chỗ ở của trâu không được cho người lạ biết. Kiêng tuyệt. Nhưng thấy ông không có xoáy phản thùng nên tôi dẫn đi”.

 

Sơn dẫn tôi đến một số hộ chuyên “sắm” trâu chọi. Quả thật, qua những gì chứng kiến, tôi không thể ngờ được việc chăm sóc và huấn luyện mấy “ông chọi” này lại công phu đến vậy.

 

Chăm sóc trâu chọi phải theo một chế độ đặc biệt. Thức ăn là tinh bột đâm ra từ vỏ gạo lứt; thịt rắn, thịt bò, thịt gà và gạo nếp, lạc, vừng được chế biến theo cách thức riêng; sinh tố xay từ các loại hoa quả, nước uống phải tiệt trùng, mỗi ngày hai lần uống cao hổ cốt và không thể thiếu cỏ (cỏ cũng phải chọn lựa cỏ ngon, sát trùng).

 

Phòng cho trâu ở nhất thiết phải có điều hoà, tuyệt đối không có muỗi, nếu như phun thuốc diệt muỗi sợ ảnh hưởng sức khoẻ trâu thì phải mắc màn. Việc huấn luyện trâu là cả một kỹ nghệ. Trâu chọi có bản tính hoang dã nên người huấn luyện phải có kinh nghiệm và bản lĩnh để thuần phục trâu. Tính kỉ luật được đặt lên hàng đầu nhưng người huấn luyện cũng phải có bí quyết tâm sự cùng trâu để thổi bùng lên ngọn lửa quyết đấu.

 

“Đừng tưởng trâu không nghe được tiếng người, nó nghe được đấy. Nếu như huấn luyện khắt khe quá, nó có thể phản chủ. Trước đây đã có vụ con trâu chọi bị rèn quá mức đã dùng sừng hất chủ xuống biển” - Sơn cho biết.

 

Còn lịch trình tập luyện thì buổi sáng cho trâu tập chạy 3 lần, mỗi lần 30 phút. buổi chiều 4 lần và cho trâu xuống biển bơi, tắm. Thỉnh thoảng, phải thuê người hò hét cho trâu quen với tiếng reo hò để khi vào sới khỏi giật mình... cùng nhiều bí kíp riêng khác.  

 

Theo Thanh Minh

Gia đình và Xã hội