1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Săn ong rừng

(Dân trí) - Trong tiết trời se se lạnh mùa đông, phảng phất chút nắng heo may, những tay thợ săn ong rừng Nghệ An xem đây là thời điểm thích hợp nhất để “chài” vài ba tổ, lấy lộc cho năm tới.

“Sáng sớm tinh mơ, thấy mây mù giăng kín đất trời sẽ báo hiệu cho một ngày mới ấm áp xen kẽ trong mùa đông. Vừa hửng sáng, chúng tôi chuẩn bị đồ nghề lên đường, hành trình mang theo chỉ có chiếc ba lô gồm cơm vắt chấm muối xúp, lọ nước, cái vợt và đặc biệt quan trọng nhất là chiếc tổ mồi…

 

Người đi xe máy, kẻ đi xe đạp dong duổi hàng trăm cây số vừa đi vừa chọn điểm đặt tổ. Để chọn một địa điểm đặt tổ mồi thường là những cây cổ thụ trên thân có hang hốc, sần sùi, ủ mọc khắp thân… được xem là tuyệt vời nhất để đặt tổ mồi” - Bác Nguyễn Phan Trí Hoà (67 tuổi) ở xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) với thâm niên hơn 10 năm trong nghề săn ong rừng, tâm sự. 

 

Để săn được một bầy ong rừng, trước hết phải có một tổ mồi được làm sẵn với nhiều kiểu dáng bắt mắt, tạo hoa văn, tạo lỗ, chọn loại gỗ đẹp thuộc loại gỗ “quý”. Theo các tay thợ săn ong, tổ mồi làm bằng gỗ mít được xếp vào hàng bậc nhất, sau đó là đến gỗ thông…

 

Công việc tưởng đơn giản nhưng hết sức công phu và phải có chút kinh nghiệm là việc chọn địa điểm đặt tổ mồi. Tổ mồi “khêu gợi” nhất phải được đặt nơi những thân cây lớn, xù xì, có nhiều lỗ hổng trên thân cây càng tốt. Những chú ong rừng đi tìm hoa lấy mật (chúng thường đi thành nhóm từ 2-4 con) sẽ “đánh hơi” thấy tổ mồi ưng ý. Khoảng 30 phút sau một đàn sẽ kéo đến tổ mồi, tranh nhau chui vào cái lỗ đã được khoét sẵn. Thời gia để một đàn ong chui vào tổ mồi chỉ mất 10-15 phút, người đi săn ong chỉ chờ chúng chui hết vào trong tổ là bịt kín lỗ, đem về. 

 

Bác Hoàng Minh Thân (64 tuổi) ở xã Thanh Khê có 15 năm trong nghề săn ong rừng cho hay: “Để tránh khi đi tổ trống khi về tổ không, căn bản và quan trọng nhất là chọn khu rừng. Dễ săn nhất là khu vực các cánh rừng nguyên sinh. Nơi đây tập trung nhiều ong nhất, rất dễ đặt tổ. Đã đi vào những khu rừng này chẳng bao giờ phải mang tổ không về”. 

 

Săn ong rừng  - 1

Những tổ ong mồi được treo lúc lỉu trên cây.

 

Hiện nay, riêng huyện miền núi Thanh Chương đã có hàng ngàn người đi săn ong rừng. Họ rải đi khắp nơi từ Anh Sơn lên Con Cuông tới Tương Dương và Kỳ Sơn. Người dân nơi đây chuộng nghề này vì dọc theo tuyến quốc lộ 7 có nhiều cánh rừng nguyên sinh với rất nhiều bầy ong.

 

Đa số những người tham gia săn ong là các cụ tuổi từ 60 trở lên, tranh thủ lúc nông nhàn rỗi rãi; người xe đạp, kẻ xe máy rong ruổi hàng trăm km luồn rừng, băng suối săn ong. Mỗi tổ ong bán “nóng” cũng được từ 200-300 ngàn đồng; nếu để nuôi sau 3- 4 tháng có mật sẽ có giá khoảng 600.000 đồng.

 

Trên chuyến công tác miền núi, chúng tôi chỉ kịp ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe. Những ngày cuối năm, thời tiết nơi miền biên lạnh như nước đá phả vào mặt, nhưng đi đâu cũng bắt gặp người dân Thanh Chương săn ong rừng. Đây là thời điểm thích hợp nhất để con ong lấy nhuỵ hoa xuân hứa hẹn một năm phát lộc. 

 

Nguyễn Duy