1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Săn “hàng lạnh” ở Lào Cai

Những thứ hàng độc của Trung Quốc như trường kiếm, song trường kiếm, búa, đao cổ quái... đều có giá cả rất “phải chăng”. Chúng dễ dàng "chảy" vào VN để làm đồ... trang trí, nhưng trên thực tế đây là những loại vũ khí nguy hiểm.

Mất mấy nghìn xe ôm để đi từ ga tàu đến cửa khẩu, chúng tôi được chứng kiến sự nhộn nhịp của một nơi giao thương hàng hóa lớn nhất miền Tây Bắc: chợ Cốc Lếu (Lào Cai) đồ sộ và sầm uất bên bờ sông Hồng. Nguồn hàng ở đây đúng là “thượng vàng hạ cám”, nói như nhiều người là “cần là có, mó là thấy”. Cũng dễ hiểu khi người dân trên này “khoe” là có quá nửa dân Lào Cai dùng hàng lậu.

 

Lang thang trong khu vực bán hàng lưu niệm của khu A, chưa kịp bày tỏ ý định đã nhận được lời mời. Một thanh niên bán hàng đưa mắt đầy ngụ ý: “Mua kiếm không chú em?”. Tôi gật đầu. Chỉ chờ có thế, anh ta kéo ngay vào trong quầy hàng. Anh nhẹ nhàng lôi ra dưới đống hàng hóa một bì gai nặng trịch.

 

Một đống vũ khí được tuồn ra nghe leng keng đến gai người. Thôi thì đủ các loại, từ loại mã tấu thường thấy trong các bộ phim đến những thanh đao to bản, dài đến 1,2 m. Kiếm thì đủ loại: Từ loại kiếm của phương Tây, lưỡi nhỏ bằng ngón tay, dài ngoằng đến đoản kiếm của Nhật Bản mà các võ sĩ đạo hay dùng. Mặt hàng kiếm là đa dạng nhất, có thể nói mẫu mã, kiểu dáng nào cũng có. Còn có cả loại “hàng độc” chỉ có trong phim chưởng như song trường kiếm, kiếm được điêu khắc rồng phượng... Anh ta khoe thêm một đôi búa to bản, mà theo anh là bán rất chạy.

 

Giá cả cũng đa dạng tùy từng loại. Kiếm giá từ 40.000 đồng đến 300.000 đồng, đôi búa giá 220.000 đồng, đôi song đao được hét với giá 250.000 đồng. Ngoài ra còn các “phụ kiện” như giá treo (giá treo đôi búa 60.000 đồng), dây quấn để trang trí kiếm và dây đeo tay cho đẹp.

 

Gõ thử những thanh kiếm vào với nhau, thì anh bán hàng đã lên tiếng: “Toàn bằng kim loại xịn hẳn hoi đấy, không phải đồ chơi đâu mà lo. Người ta mua hà rầm để... trang trí (!)”. Qua khảo sát thấy trong chợ có không dưới 10 cơ sở bán “hàng lạnh”. Thậm chí có gian hàng còn có cả một kho chứa, khách nào có nhu cầu tha hồ vùng vẫy trong đống vũ khí đủ loại để chọn lựa.

 

Một thanh niên tên Chiến khoe thứ mà cậu gọi là “bơm xe đạp”. Trông nó cũng giống loại bơm xe thường hay ghim trên ghi đông ở chiếc xe đạp đời cũ. Nhưng khi xoay nhẹ đầu cái “bơm” này, sau tiếng “tách”, Chiến lôi ra một lưỡi kiếm sáng choang, sắc lẹm. Cậu bảo: “Em chỉ mua để chơi thôi, với lại trông cái này cũng hay, có thể tự vệ được! Đi đâu cầm theo cho yên tâm!”.

 

Theo người dân, “hàng lạnh” được tuồn về ở ngay cửa khẩu thôi chứ không cần phải tìm đâu xa. Mất tổng cộng 38.000 đồng để “vượt biên” sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tôi thẳng tiến tới một nơi gọi là “chợ Việt Nam”. Ở đây nổi tiếng vì có tầng 2 đồng thời là 1 nhà chứa được hoạt động công khai. Và có một thứ nữa được bày bán không cần che đậy, đó là vũ khí.

 

Các loại đao, kiếm bày bán la liệt, nhìn đâu cũng thấy. Có dãy đến hơn hai chục gian hàng như vậy. Tôi được chào mời nhiệt tình hơn gấp bội lần chợ Cốc Lếu. Và đúng là bên này, “hàng độc” nhiều vô kể, có những thanh đao hình dáng cổ quái không thể miêu tả nổi. Một chị nói giọng lơ lớ tiếng Việt còn cho tôi xem thanh đao, nói là “đã được đạo sĩ yểm bùa, treo nó trong nhà không sợ ma quỷ gì cả!”.

 

Qua tìm hiểu mới hay, chuyện đưa “hàng” về Việt Nam được tổ chức như một đường dây, quy mô lớn nhỏ đều có tất. Những người sang Trung Quốc nhiều đều biết rõ về cách làm ăn của dân buôn bán ở đây. Kiểu nào cũng chiều. Mỗi nơi mỗi giá, theo cách nhìn khách hàng.

 

Nói vậy là vì không phải cứ sang Trung Quốc là mua được hàng rẻ. Ngoài tiền hàng ra, còn phải mất thêm một khoản để họ đưa hàng qua cửa khẩu giúp. Thường thì việc mua “hàng lạnh” bên đó đồng nghĩa với việc chi phí thêm tiền công vận chuyển. Nếu không, hàng khó lòng trở về bên này an toàn. 

 

Thực ra, cách đây một năm, chỉ có thể sang Trung Quốc mua loại hàng này và mang về theo đường đò chui. Năm nay, “hàng lạnh” mới công khai xuất hiện ở chợ Cốc Lếu. Mặt hàng này đưa về chợ cũng chẳng khó khăn, giống như cách dân buôn ở chợ vẫn chở hàng lậu hằng đêm bằng đường đò chui. Khách du lịch thường mua vũ khí như một món đồ chơi, cũng giống như nhiều người dân địa phương mua về treo chơi trên tường.

 

Cũng không ít dân buôn bán chạy từ khắp nơi lên đây săn hàng về đổ với giá cao ngất. Việc đưa hàng về đồng bằng cũng không có gì khó khăn. Chỉ cần gói ghém cẩn thận hay cho vào vali khóa lại, thế là xong! Vali Trung Quốc trên này cỡ nào chả có, giá lại “siêu rẻ”. Người mua cứ việc lên tàu nằm ngủ một giấc ngon lành cho đến khi về Hà Nội, hay phát tán đi các địa phương khác để trở thành thứ vũ khí nguy hiểm chết người.

 

Theo Người Lao Động