1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sai phạm tiền tỉ tại hai dự án BOT liên quan Út “trọc”

Giá trị được phê duyệt giải phóng mặt bằng trong dự án cải tạo quốc lộ 20 là 459 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền chi giải phóng mặt bằng thực tế chỉ 32 tỉ đồng, chênh lệch hơn 420 tỉ đồng.

Út “trọc” , tức Đinh Ngọc Hệ , chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn ( Bộ Quốc phòng ), lúc chưa bị khởi tố, bắt giam được xem là “ông trùm” của các dự án BOT, BT khi liên tục được chỉ định thầu hoặc trúng thầu những dự án khủng.

Chênh lệch hàng trăm tỉ đồng

Một trong các dự án mà Công ty Thái Sơn cùng liên danh làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm là dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 123+105 đến Km 268. Đoạn đường này dài hơn 124 km, đi qua địa phận TP Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.100 tỉ đồng, trong đó đầu tư theo hình thức BT hơn 1.300 tỉ đồng và bằng hình thức BOT hơn 2.600 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 21 năm bốn tháng năm ngày. Liên danh được chỉ định thầu là Tổng Công ty 319, Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện liên danh này bỏ ra hơn 250 tỉ đồng mua lại quyền thu phí của trạm thu phí Bảo Lộc - Lâm Đồng và đưa số tiền mua bán trên vào tổng mức đầu tư con đường. Theo Thanh tra Chính phủ, số tiền bỏ ra mua quyền thu phí không thuộc danh mục theo quy định trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Vì vậy Bộ GTVT phải xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp trong phương án tài chính của dự án.

Chỉ mới kiểm tra ba gói thầu 1, 2, 3 của dự án này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tiền tỉ. Cụ thể, gói thầu số 18 duy tu, bảo dưỡng mặt đường với giá trị 3,9 tỉ đồng nhưng khi kiểm tra tổng mức đầu tư được duyệt lại không có hạng mục chi phí này... Nghiêm trọng nhất là hạng mục chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Giá trị được phê duyệt GPMB trong dự án này là 459 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền chi ra để GPMB chỉ có 32 tỉ đồng, tức chênh lệch số tiền lên đến hơn 420 tỉ đồng!

Quá trình thi công dự án cải tạo quốc lộ 20. Ảnh: PN
Quá trình thi công dự án cải tạo quốc lộ 20. Ảnh: PN

Khởi công trước khi được chấp thuận đầu tư

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123 đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng trên cơ sở tách ra từ dự án của liên danh nêu trên thành dự án độc lập cũng có nhiều chi phí sai lệch.

Dự án này được chỉ định thầu rút gọn dù năng lực nhà đầu tư chưa bảo đảm. Tuy được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28-8-2013 nhưng chủ đầu tư đã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cụ thể, trước đó gần hai năm, những nhà đầu tư đã biết mình được chỉ định thầu nên ngày 23-12-2011 đã tổ chức… khởi công dự án. Đặc biệt, việc điều chỉnh, bổ sung các khoản lãi vay, phí thu xếp vốn… đã làm thay đổi vốn đầu tư lên đến hơn 5.200 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Điều đáng nói là Công ty Cửu Long CIPM, một trong bốn nhà đầu tư trong liên danh của dự án này, mới đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 30-8-2011, trước ngày khởi công “lụi” (tháng 12-2011) chỉ bốn tháng. Đến tháng 6-2013, công ty này chưa góp một xu nào vào liên danh nhưng vẫn được phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Theo Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt này là sai.

Kiểm tra dự toán các gói thầu, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số nội dung chưa đúng quy định, phương án thi công phê duyệt chưa hợp lý làm chênh lệch tăng so với thiết kế kỹ thuật hơn 61 tỉ đồng. Chỉ riêng việc không sử dụng lượng bê tông nhựa tại các trạm trộn nằm gần gói thầu mà lại vận chuyển ở nơi xa hơn đến đã làm tăng chi phí hơn 27 tỉ đồng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, lẽ ra Bộ GTVT phải thực hiện quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án BOT, BT vào tháng 1 hằng năm. Tuy nhiên, ở cả hai dự án nêu trên, Bộ GTVT đều thực hiện chưa đúng quy định.

Bộ GTVT phải tổ chức kiểm điểm

Qua thanh tra một số dự án BOT , BT, Thanh tra Chính phủ nhận thấy Bộ GTVT chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông để từ đó có cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư. Bộ coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Các dự án đầu tư bằng hình thức BOT, BT hầu hết thực hiện ở những khu vực có mật độ tham gia giao thông lớn, phần lớn là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ; đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, gây khó khăn cho người tham gia giao thông vì không có sự lựa chọn khác. Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác. Doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp vì thời gian thu phí kéo dài…

Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm chung, toàn diện về những nội dung sai phạm trên. Cụ thể, thực hiện chưa đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư; quyết định đầu tư, phương án thu phí bất hợp lý; phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ… Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm trên.

Theo Phương Nam

Pháp luật TPHCM