Sai phạm ở hàng loạt PMU của Bộ GTVT
Cơ quan chức năng đã bước đầu làm rõ nhiều sai phạm tại một số dự án lớn của Bộ GTVT như PMU 1, PMU Thăng Long, PMU Giao thông 9... Dù không thể "so sánh" với PMU 18, nhưng những vụ việc trên cũng gây thất thoát không nhỏ và càng cho thấy lãnh đạo ngành GTVT đã buông lỏng quản lý đến mức nào.
Thực tế, hầu hết các dự án xây dựng, cải tạo công trình giao thông của ngành giao thông vận tải đều được thanh tra, kiểm tra sau khi kết thúc, thậm chí ngay trong quá trình triển khai. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đều phát hiện có sai phạm và đáng chú ý là các dạng sai phạm đều có dấu hiệu tham nhũng.
Lấy ví dụ như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 16, tiểu dự án 1 (km 70-km 134) do PMU đường bộ II làm đại diện chủ đầu tư. Tại dự án này, khối lượng công việc tính sai so với thiết kế kỹ thuật của Ban quản lý dự án làm cho giá thầu tăng gần 555 triệu đồng.
Các gói thầu đã được công nhận trúng thầu đều có giá cao hơn giá dự toán được duyệt trên 1,35 tỉ đồng. Và biểu hiện tham nhũng trắng trợn nhất là việc PMU nghiệm thu thanh toán cao hơn khối lượng được duyệt ở một gói thầu (gói số 4) trên 1,1 tỉ đồng... Nếu như các sai sót này không kịp thời được phát hiện, dĩ nhiên đã có hàng tỉ đồng của ngân sách bị thất thoát.
Tương tự như ở dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, tiểu dự án 4 (km 264-km321) do PMU 1 làm đại diện chủ đầu tư cũng đã xảy ra những sai phạm khiến chất lượng công trình không đạt yêu cầu thiết kế.
Bộ trưởng Giao thông vận tải đã phải ký một công văn yêu cầu giảm trừ giá trị trúng thầu của gói thầu 19 do đã kê "vống" lên so với dự toán đã được tính đúng là 554,5 triệu đồng của liên danh Cienco 8 và Vinaconex và thu hồi giá trị do thanh toán khối lượng cao hơn khối lượng đã thực hiện là 748,37 triệu đồng.
Đã có 4 đơn vị "suýt" được thụ hưởng số tiền chênh lệch này, trong đó có Công ty xây dựng số 6 Thăng Long, Công ty xây dựng 99 Trường Sơn, Cienco 8 và Tổng công ty Vinaconex. Một khoản trị giá gần 280 triệu đồng khác đã buộc phải thu hồi từ Trung tâm công nghệ và xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh công binh do PMU 1 đã phóng tay "thanh toán vượt khối lượng" cho đơn vị này.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 30 do PMU Giao thông 9 làm chủ đầu tư, PMU này cũng buộc phải giảm trừ thanh toán ở gói thầu số 3 của Công ty xây dựng Lũng Lô số tiền 819 triệu đồng. Nhưng nghiêm trọng hơn, qua khảo sát, kiểm tra lại chất lượng công trình, cơ quan chức năng đã phát hiện chất lượng công trình chưa đảm bảo, mặt đường nhiều đoạn bị rạn nứt khiến thời gian bảo hành phải kéo dài thêm 12 tháng, làm tăng chi phí công trình.
Không chỉ vậy, dường như ở các PMU của Bộ Giao thông vận tải, việc tiêu tiền của dự án (là vốn vay ODA hoặc vốn cấp phát trực tiếp từ ngân sách Nhà nước) rất tùy tiện. Ở PMU 5, chỉ kiểm tra sơ bộ, thanh tra của Bộ Giao thông vận tải cũng đã phải buộc lòng thu lại của Ban này trên 526 triệu đồng với các lý do chi phí không hợp lệ là: hỗ trợ tư vấn giám sát và khảo sát thiết kế... PMU Thăng Long cũng đã phải trả lại cho ngân sách 591 triệu đồng ở một số khoản chi không rõ ràng khi thực hiện dự án cầu Tạ Khoa (dự án thành phần của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6).
Tất cả các sai phạm trên, mặc dù có trách nhiệm từ các các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế... nhưng trên hết, vẫn là trách nhiệm của những người được Bộ Giao thông vận tải giao phó trách nhiệm quản lý PMU. Tuy nhiên sẽ cụ thể hơn nữa, nếu như cơ quan chức năng làm rõ được việc: tại sao các PMU lại dễ dàng phóng tay chi, duyệt các khoản sai chế độ, không rõ ràng, chấp nhận cả các khoản kê khống, báo cáo sai của các đơn vị thi công ?
Trên đây là những sai phạm “nhìn là thấy ngay”. Những thất thoát trong thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều so với những gì đã phát hiện. Bởi vậy trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục vào cuộc, thanh tra một loạt các dự án do các PMU của Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Theo M.Q
Báo Thanh niên