Sai phạm nhà đất công tại TPHCM: Cán bộ "lờn thuốc"!
(Dân trí) - Tại TPHCM, sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công chưa được xử lý nghiêm, cán bộ có dấu hiệu “lờn thuốc”. “Các địa phương, đơn vị quản lý kê khai không đầy đủ, do thiếu hiểu biết cũng có mà do cố tình cũng có, thậm chí nhiều cán bộ không biết sợ là gì. Thanh tra đã xử lý nhiều trường hợp, sắp tới phải làm nghiêm hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói.
Ngày 30/6, HĐND TPHCM đã nghe UBND thành phố báo cáo về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn, trọng tâm là nguồn tài nguyên đất do Nhà nước quản lý.
Tại đây, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, việc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên – Môi trường nhưng các quận, huyện cũng chậm lập kế hoạch.
Ngoài ra, việc cho thuê, đấu giá đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng không đạt kế hoạch đề ra gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
Trong giai đoạn 2011-2017, UBND thành phố đã ban hành 727 quyết định giao đất, với tổng diện tích hơn 2.663ha.
Chiều ngược lại, giai đoạn 2003-2010, thành phố đã thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất tại 87 dự án, với 1.159ha. Giai đoạn 2011-2015, thành phố thu hồi 90 dự án chậm hoặc không triển khai thực hiện với tổng diện tích 1.657ha.
Từ năm 2012-2017, thành phố đã tổ chức bán đấu giá 20 khu đất với tổng diện tích gần 14ha, thu về cho ngân sách hơn 3.915 tỷ đồng. Giá trị các khoản thu từ đất đai của thành phố hằng năm đều tăng và chiếm từ 8-9% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.
Theo ông Thắng, thành phố đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất công, trong đó cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; thu hồi 197 mặt bằng (còn 28 mặt bằng chưa thu hồi được); cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng là 1.597 địa chỉ.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố cho biết, trong thời gian qua, nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng các đơn vị này bố trí cho cán bộ công nhân viên ở, cho thuê kinh doanh, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng hiện nay công tác quản lý nhà đất công có nhiều bất cập vì nhiều đầu mối. Nhiều bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công đã được chỉ ra nhưng thành phố chưa có giải pháp quyết liệt.
“Chúng ta cũng thấy rõ những sai phạm, bất cập, vậy phải có giải pháp quyết liệt. Không thể nói do lịch sử để lại. Phải có giải pháp tập hợp, quản lý nhà đất hiệu quả hơn”, ông Hải nói.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố, cho rằng nhà đất công cho thuê, hết hợp đồng mà chưa thu hồi được là vấn đề nan giải. Trong khi đó, giá cho thuê có nhiều bất cập, có nơi cho thuê giá năm 1994.
Trong khi đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố phản ánh tình trạng mất cân bằng trong sử dụng đất đai, nhất là đất cho an sinh xã hội.
Theo bà, nhiều nơi diện tích đất công viên cho người dân không đảm bảo chỉ tiêu nhưng một số công viên hiện hữu lại sử dụng đất không đúng chức năng. Ngoài ra, đất dành cho giáo dục, dự án chống ngập thiếu nhưng nhiều nơi đất bỏ trống, sử dụng không đúng chức năng.
Thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai để xử lý.
“Chúng ta phải nhìn khách quan, thừa nhận những sai sót, hạn chế về pháp luật, quản lý để sửa ngày càng tốt hơn”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý nhà đất công, đó là giao đất nhưng quản lý không chặt, có biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào việc quản lý trực tiếp của doanh nghiệp. Một số đơn vị tùy tiện chuyển nhượng, cho thuê nhưng đến nay vẫn xử lý chưa nghiêm.
“Các địa phương, đơn vị quản lý kê khai không đầy đủ. Thiếu hiểu biết cũng có nhưng cố tình cũng có, thậm chí nhiều anh chị không biết sợ là gì. Thanh tra đã xử lý nhưng sắp tới phải xử lý nghiêm hơn nữa”, ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, thành phố chậm triển khai quy hoạch, chậm mời gọi đầu tư, chậm triển khai dự án, một trong những nguyên nhân là thiếu vốn. Tuy nhiên, thành phố cũng đưa ra giải pháp căn cơ giải quyết khiến người dân phải khổ.
Hiện nay, nhiều khu đất không triển khai dự án mà để có mọc um tùm, nhìn rất phản cảm. Tình trạng này do 2 nguyên nhân chính, chủ đầu tư không có năng lực và dự án ngưng để thanh tra. “Trong khi người dân hy sinh giao đất mà để hoang như thế là trách nhiệm của thành phố”, ông Tuyến thẳng thắn.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, hiệu quả sử dụng đất đai phải xét trên nhiều mặt chứ không thể tính riêng từ thuế. Thuế quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Thành phố cần cân đối nguồn lực đất đai cho các dự án giao thông, công trình phúc lợi cho nhân dân đừng chạy theo lợi nhuận kinh tế. Tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm phúc lợi nhân dân… đó là tăng trưởng không bền vững.
“Đã quy hoạch cho công viên, giáo dục, y tế phải giữ, bất khả kháng mới điều chỉnh nhưng điều chỉnh thì phải bù lại. Công tác quản lý đất đai như thế nào cho hiệu quả, phát huy giá trị cao về kinh tế, chính trị văn hóa, xã hội… là bài toán khó”, bà Tâm nói.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố, quản lý đất đai còn buông lỏng, tính kỷ cương chưa tốt, thiếu thống nhất là hạn chế kéo dài cần chấn chỉnh, nếu không sẽ thất thoát, lãng phí rất đáng tiếc, gây bức xúc trong nhân dân.
“Thấy sai sót mà xử không nghiêm, thanh tra cũng chậm vào cuộc, thanh tra không đầy đủ nên phát sinh nhiều vấn đề, mất nhiều năm giải quyết, gây thất thoát lớn, lãng phí.
Nguyên nhân do khách quan nhận thức của cán bộ, do quy định pháp luật không rõ mà mình làm không đúng hay là có tiêu cực, lợi ích cá nhân hay không? Phải kiểm tra làm rõ. Người dân có quyền được biết điều này”, bà Tâm nói.
Thanh tra, kiểm tra sử dụng đất công, nhà công tại 10 đơn vị trong giai đoạn 2016-2017, Thanh tra TPHCM phát hiện 103 nhà đất có sai phạm. Trong đó, sai phạm về mục đích sử dụng là 92 mặt bằng: sử dụng không đúng mục đích, sai quy định 17 mặt bằng; cho thuê trái phép 32 mặt bằng; không quản lý, bỏ hoang gây lãng phí 26 mặt bằng; để xảy ra lấn chiếm 3 mặt bằng; vừa cho thuê trái phép, vừa bỏ trống 1 mặt bằng… Thanh tra thành phố đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hơn 7,8 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được 6,9 tỷ đồng. Thanh tra thành phố cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 11 tập thể và 34 cá nhân. Đến nay đã xử lý được 10 tập thể và 29 cá nhân với hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 4 cá nhân bị khiển trách; còn lại 1 tập thể và 1 cá nhân đang tiếp tục xử lý. |
Quốc Anh