1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Giang:

Sắc xuân trên thung lũng Sà Phìn

(Dân trí) - Sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân trên thung lũng Sà Phìn (Hà Giang) vẫn sinh hoạt đoàn kết và chân tình. Ngày tết, đến nhà người Mông, người người Tày hay người Mán, ai cũng có rượu ngô cùng thịt lợn khô gác bếp cả năm đem ra đãi khách.

Trên những vách núi là hoa rừng nở trải dài cùng hoa đào bung cánh khoe sắc khắp các đường cua. Dưới mặt đất cũng tràn ngập sắc hoa bạc hà với mầu tím phớt, hoa tam giác mạch với mầu hồng đỏ, hoa cải cay với mầu vàng ruộm… Tất cả tạo nên một cái tiết xuân phơi phới trên thung lũng của cao nguyên đá...

96
Mùa xuân đang đến ở Sà Phìn lại tấp nập những hội múa khèn được tổ chức

Chợ phiên ngày cuối năm

Những ngày cuối tháng 12 âm lịch, đến xã vùng cao Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, có thể cảm nhận rất rõ người dân ở đây tổ chức tết khá sớm. Những cây đào phai đã nở cánh khắp các bờ rào đá, dọc đường vào các xã. Bên sắc hoa đào là những sắc váy áo xông xênh của các thiếu nữ Mông.

Tiếng khèn Mông réo rắt, những bài hát “tìm vợ tìm chồng” với lời ca “Cú cò, nhỉa cò, cú nhỉa cò, lỉnh tè, ấy mỷ…” (Anh và em, em và anh yêu nhau. Chúng mình cùng nhau vào rừng hái hoa) của trai gái người Mông đã vang lên khắp triền đá. Tạo ra một sự gần gũi! Các nhà dân trong xã lá dong, gạo đỗ và các loại thực phẩm đã “tìm về” nơi góc bếp, chỉ chờ gói gém và xào nấu là có cái đãi bạn và đón xuân.

Không nơi đâu, thiên nhiên lại khắc nghiệt như cao nguyên đá này. Nhưng trời vừa chuyển mùa, đất khát đã mơn mởn lộc xuân... Nắng sớm, sương mai, hoa cải rực vàng chân núi, hơi thở của đá, sắc xanh của trời, tiếng rì rầm từ rẻo cao vọng lại, dáng vẻ kiêu hãnh của hàng sa mộc thẳng tắp… tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo óng mềm như tơ lụa, những mái ngói rêu phong bên đường đã sáng bừng hoa đào và thổ cẩm, dưới hiên, tiếng khèn Mông vẫn tha thiết gọi mời…

96

Đường đến thung lũng Sà Phìn trên cao nguyên đá Hà Giang

Thị trấn Đồng Văn như nàng tiên giấu mình trong núi, hay ngủ và chỉ thức dậy vào thứ bảy, chủ nhật xem đồng bào đi chợ phiên. Theo chân người dân, chúng tôi lên núi, đi chợ Sà Phìn, chợ phiên 1 tuần họp 1 lần, ngay trước dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình, thuộc huyện Đồng  Văn - Hà Giang. Chợ Sà Phìn nằm trong chuỗi 4 chợ phiên của các xã, thị trấn Phố Cáo, Phố Bảng, Phố Là thuộc huyện Đồng Văn... Giáp tết, chợ rực rỡ thổ cẩm và đông nghịt người mua sắm.

Hàng hóa phong phú, từ những sản vật địa phương. Anh Vàng Mí Cần, dân tộc Mông ở xã Sa Phìn bảo: “Hai vợ chồng tôi đi sắm tết từ sáng. Đi chợ thích lắm, cái gì cũng có. Từ muối, gạo đến hoa quả, thịt. Hai vợ chồng mua nhiều để Tết còn đãi bạn”.

Đi chợ phiên còn là dịp để người dân nơi đây được gặp bạn, tụm năm tụm bảy nói chuyện, ca hát, thổi khèn cho nhau nghe. Có người đi từ hôm trước, cũng có người đi vài hôm mới đến chợ, ai cũng diện bộ quần áo đẹp nhất. Cánh đàn ông xúm quanh chảo thắng cố nghi ngút giữa chợ, mời nhau những bát rượu ngô đến mềm môi mới thôi.

Tan chợ, những người đàn bà gùi hàng tết tỏa về khắp các nẻo đường. Bước váy xập xoè theo chân thiếu nữ tựa những đóa hoa sáng bừng bản làng người Mông, người Dao, người Lô Lô trên núi đá.

Chợ phiên Đồng Văn áp phiên chợ 30 Tết được coi là phiên chợ chính nhất trong cả năm. Đường đất đi lại ở vùng núi cao buộc người ta phải tính toán. Phiên chợ 30 Tết không cho phép ai đó ở xa mải vui, mải chơi, nhất là khi “rượu ngô, men lá, thuốc lá em quấn” mà quên mất lối về.

Tết ở “cổng trời”

Sà Phìn được ví như “cổng trời” của cao nguyên đá cách huyện Đồng Văn 15km. Nơi đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua với bất kỳ ai đến với Hà Giang. Từ cổng trời, mọi người có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng, những đỉnh núi nhấp nhô trùng điệp, lâu đài của vua Mèo Vương Chí Sình. Lâu đài vua Mèo từng là dinh thự của bậc đế vương xưa, là một công trình có kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này.

Được coi là “vựa thuốc phiện”, “rốn ma” túy của Cao nguyên đá Đồng Văn nên một thời xã Sà Phìn luôn bị coi là điểm nóng. Có những lúc hầu như toàn bộ cánh đàn ông xã này không thể ra ngoài đường, không thể làm ăn được vì ma túy vây hãm. Ấy thế mà bằng quyết tâm, bằng nghị lực của mình cùng sự góp sức đến nhiệt thành của cán bộ, ngày nay ma túy ở Sà Phìn đã bị đẩy lùi. Tiếng khèn, tiếng hát đã rộn ca khắp các sườn đá núi trong mỗi độ tết đến, xuân về.

Nắng mới, những cây đào phai bừng bừng đơm hoa, trong tiếng khèn dìu dặt của Hội gầu tào - Hội chơi núi to nhất trong tết của người Mông tôi đã tìm vào nhà ông Vàng Chá Sèo. Năm nay đã 61 tuổi, vốn là một con nghiện có thâm niên nhưng từ khi được cán bộ trợ giúp ông đã cai được thuốc.

Phiên chợ cuối năm ở “cổng trời” Sà Phìn.
Phiên chợ cuối năm ở “cổng trời” Sà Phìn.

Từ một nhà nghèo khó do tàn dư của ma túy giờ đây năm nào ông cũng trồng được 1,5ha ngô. Cùng với đó là lợn gà được chăn thả và tới thời điểm này ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở xã. Trò chuyện ông bảo: Cái ma túy một thời làm mình ngu quá. Nó đem nghèo khó đến, nó đem cái chuyện chồng chửi vợ đến. Bây giờ nhìn nó thì sợ lắm rồi. Nếu mình biết trước thì giờ nhà mình đã giàu hơn nữa rồi.

Ông Vàng Mí Lía chủ tịch xã mời tôi một bát rượu ngô óng vàng mầu nước và men bên cây đào cổ thụ đang đơm hoa trước trụ sở Ủy ban, với tâm trạng vui vẻ ông hồ hởi: Tết này, thêm một năm nữa người Mông chúng tôi đón một mùa xuân bình yên vì không còn khói thuốc phiện. Đối tượng nghiện hút trong xã tôi tính đến giờ không còn một ai.

Trong nhiều năm, xã không có người tái nghiện. Xã đã được coi là xã điển hình, cùng với sự phát triển và việc sạch về ma túy nên 100% các em trong độ tuổi đã được đến trường.

Nắng xuân đã dát vàng trên triền đá. Đám con gái đem những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ ra phơi, những chiếc váy mới chờ khoe sắc trong tiếng khèn mê say mùa gọi bạn.

Tết ở vùng cao đến sớm nhưng đi thật muộn bởi phải chờ đến khi sương muối thôi rơi, mặt trời ở lại lâu trên núi, đất mới mềm ra để trồng cấy. Trời xanh mây trắng, hoa cải rực vàng trong nắng xuân, hoa đào thắm hồng những con đường về bản. Tất cả cứ tràn vào nhau, hoà quyện vào nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp nơi cực Bắc Tổ quốc.

Những rừng đá trên cao nguyên lạnh giá đang trở mình thức dậy cùng ước mơ thành Công viên địa chất toàn cầu. Những chương trình dự án đầu tư của nhà nước đang đổi thay từng ngày cho miền đất khô khát này, tiếp thêm nguồn sinh lực cho rừng đá nở hoa. Một mùa xuân mới lại về trên thung lũng Sà Phìn.

 Kỳ thú lễ hội Gầu tào người Mông

Hội Gầu tào là lễ hội lớn và truyền thống của người Mông ở Hà Giang vào chiều 30 Tết, đây là lễ hội cầu phúc, cầu mệnh... Lý do để tổ chức lễ hội Gầu tào rất đa dạng. Một gia đình nào đó có đủ điều kiện kinh tế nhưng không có con, có ít hoặc sinh con một bề, nhân dịp Tết, ông chủ nhà đứng ra tổ chức lễ hội Gầu tào. Gia đình khác kinh tế ban đầu tuy khá giả nhưng vì nhiều lý do nên làm ăn lụn bại hoặc con cháu ốm yếu, vật nuôi thui chột, cũng nhân dịp Tết, chủ nhà tổ chức lễ hội Gầu tào. Thông thường, chủ nhà tổ chức lễ hội liền trong 3 năm, mỗi năm từ 3-5 ngày. Nếu muốn gộp lại trong 1 năm thì phải kéo dài ngày hội 10-12 ngày và cả bản đến dự.

Q.Cường - P.Gia