1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rút ruột nuôi con

(Dân trí) - Mười năm ròng bà bám trụ với góc phố, cóp nhặt từng đồng bạc lẻ dìu dắt con trai vào đại học; nay đã ở tuổi lục tuần, bà lại chạy vạy khắp nới để cùng con giành giật sự sống từ lưỡi hái tử thần…

Hai đời chồng vẫn mẹ góa con côi

 

Cách đây vừa tròn 40 năm, người con gái nổi tiếng xinh đẹp đất phố Hiến (Hưng Yên) Trương Thị Nho kết duyên cùng chàng trai Nguyễn Văn Hải. Cưới nhau chưa đầy một tuần thì anh Hải lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Kết quả tình yêu đơm hoa kết trái cũng là lúc nhận được giấy báo tử của chồng. Đau đớn tột cùng nhưng bà vẫn căn răng nuôi con và tham gia công tác xã hội.

 

8 năm sau, bà tái giá với một người đàn ông quê Nam Định. Cưới được một năm thì bà có thêm cậu con trai tên Đặng Tiến Dũng. Những tưởng số phận sẽ mỉm cười với bà, ai ngờ không lâu sau chồng bà lại mắc bệnh hiểm nghèo. Bao của cải trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Để có tiền chạy chữa cho chồng, bà quyết định bán luôn cả căn nhà ông cha để lại và dọn về ở nhờ căn hộ tập thể của cơ quan nơi bà công tác (Hợp tác xã vận tải đường Thuỷ Quyết Tiến - tỉnh Hưng Yên). Khi Tiến Dũng vừa tròn 27 tháng tuổi, người chồng thứ hai cũng lại bỏ bà mà đi.

 

Năm 1997, Hợp tác xã tổ chức bán thanh lý nhà. Không có tiền nên mẹ con Dũng đành dắt nhau ra làm lều tạm trên vỉa hè bên cạnh trường THCS Nguyễn Quốc Ân (Thị xã Hưng Yên) bán hàng nước kiếm sống qua ngày.

 

Mười năm qua, trong túp lều lụp xụp rách nát, chỉ đủ kê chiếc giường đôi, mái che là những tấm bạt dứa chằng đụp, bà Nho đã không ngần ngại khó khăn, nai lưng nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ nuôi con ăn học. Bà tâm sự: “Đời tôi khổ đã đành, nhưng nếu không nuôi nổi các con thành người tôi sẽ có tội với người đã khuất”.

 

Rút ruột nuôi con - 1

Túp lều rách nát này là nơi bà Nho tá túc hơn 10 năm qua,

rút ruột góp nhặt tiền nuôi con ăn học và chữa bệnh hiểm nghèo. 

 

Không phụ công bà, ngay từ nhỏ, Dũng đã bộc lộ tố chất thông minh, ham học, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến.

 

Năm 2006, Dũng thi đỗ vào khoa Dầu khí Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội. Từ khi bước chân vào giảng đường đại học, ngoài giờ học trên lớp, Dũng lao vào làm thêm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

 

Dù điều kiện khó khăn, phải vất vả kiếm sống nhưng kết quả học tập ở trường của Dũng vẫn khiến nhiều người phải nể phục.

 

“Ai cứu con tôi với!”

 

Dũng vào đại học, đôi vai gầy của bà Nho lại thêm nặng gánh. Toàn bộ số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người vợ liệt sĩ, bà để cả cho con. Bản thân bà bám trụ với vỉa hè và hàng nước để sống qua ngày. Những tưởng cuộc sống như thế đã là khổ, ngờ đâu tai ương lại ập xuống gia đình bà.

 

Đang học ở Hà Nội, Dũng phát hiện thấy cơ thể mình có nhiều dấu hiệu bất thường, sức khỏe giảm sút. Ngày 19/11/2007, Dũng nhập viện Bạch Mai, Hà Nội. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Dũng bị viêm gan B trong tình trạng nguy kịch, ổ bụng có khối u, phải điều trị trong thời gian dài với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

 

Nằm viện thêm một ngày là một ngày Dũng phải bỏ học, giấc mơ trở thành kỹ sư dầu khí của em nhiều nguy cơ phải bỏ dở. Dũng nằm viện, người mẹ già vốn lo ăn từng bữa lại phải chạy đôn chạy đáo, lúc ở bệnh viện, lúc lại về quê, vay mượn mãi mà vẫn không đủ tiền điều trị cho con.

 

Biết không thể xoay sở được tiền, bà Nho đành xin cho Dũng về nhà điều trị ngoại trú. Nhưng số tiền viện phí quá lớn, bà không thể thanh toán, đành cố nán lại bệnh viện thêm ít ngày.

 

Tôi gặp bà Nho trong hành lang bệnh viện với khuôn mặt nhợt nhạt xanh xao, cầm trên tay hóa đơn tiền viện phí, bà nói trong vô vọng: “Ai cứu con tôi với!”.

 

Thái Bình