"Rút kinh nghiệm" sau trận lũ kinh hoàng khiến bản làng chìm trong tang thương!
(Dân trí) - Những năm gần đây, thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất đang là bài học, cảnh báo cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng tránh, hạn chế hậu quả của không ít địa phương mới chỉ ở báo cáo, nghị quyết.
Đó là chia sẻ của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Chiều ngày 20/8, tại huyện miền núi Quan Sơn, Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị “Rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi”.
Hội nghị có đại diện các đơn vị liên quan của các Bộ: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, LĐ-TB&XH, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tổ chức JiCa (Nhật Bản), Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu.
Thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, từ năm 2018 đến nay, khu vực miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã xảy ra 20 trận lũ quét, sạt lở đất làm hơn 100 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 20.300 tỷ đồng.
Đặc biệt vào đầu tháng 8/2019, Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khiến 16 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại khoảng 914 tỷ đồng.
Trong đó, tại bản Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn) có 74 hộ sinh sống chủ yếu ven dòng suối Son, trận lũ quét vào ngày 3/8 đã khiến 10 người chết và mất tích, 35 nhà sập hoàn toàn, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị trôi…
Theo kết luận về nguyên nhân gây lũ quét tại bản Sa Ná là do nghẽn dòng chảy ở vị trí thượng lưu suối Son. Ngoài lý do địa hình, đợt mưa lũ gây hậu quả nặng nề tại Sa Ná còn vì cơ quan chức năng không dự báo được mưa giai đoạn ngắn, cường suất cao, không cảnh báo được mưa lũ thượng nguồn thuộc quốc gia khác.
Tại hội nghị, để hạn chế rủi ro thiên tai, các địa phương và ngành chức năng đã chỉ ra những tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác PCTT như: Các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch, phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chưa cụ thể, sát với thực tiễn; vật tư, trang thiết bị để ứng cứu còn hạn chế, khu vực bị cô lập trong thời gian dài, không nắm được thông tin do mất liên lạc...
Cùng với đó, đưa ra nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm phòng chống lũ quét, sạt lở đất, trong đó phải lắp đặt ngay trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chính quyền địa phương và người dân phải kiểm tra, khơi thông ngay các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng; cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm; đối với những hộ ở khu vực đầu nguồn sông, suối, cần trang bị những thiết bị để báo động khi xảy ra thiên tai.
Khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải có phương án tiếp cận các khu vực bị chia cắt, cô lập, đồng thời, có phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; huy động các lực lượng khôi phục giao thông, thông tin, lưới điện, công trình công cộng...
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, địa phương có tới 11 huyện miền núi luôn tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở đất, lũ ống lũ quét, được coi là trung tâm bão lụt của khu vực miền Trung; trận lũ quét vừa tại bản Sa Ná gây thiệt hại lớn về người và tài sản là bài học trong công tác PCTT.
Ông Xứng cho rằng, phải tăng cường quản lý nhà nước về PCTT; tăng cường tập huấn, phổ biến, tuyên truyền kỹ năng cho người dân trong PCTT; quan tâm các dự án về PCTT; công tác chỉ huy phải bảo đảm tính tại chỗ, muốn vậy phải có dự báo tốt, công tác phòng chống phải triển khai ngay từ cấp thôn bản...
Đồng thời, cần tăng cường thiết bị đo mưa, súng bắn dây, điện thoại vệ tinh… Trong hậu cần, các huyện vùng sâu phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết, có thể chủ động cung ứng ngay nếu bị cô lập.
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, những năm gần đây, thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất đang là bài học, cảnh báo cho nhiều địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng tránh, hạn chế hậu quả của không ít địa phương mới chỉ ở báo cáo, nghị quyết, còn mang tính hình thức. Chính vì vậy, nhiều thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Do đó, ông Hoài đề nghị các địa phương cần triển khai ngay việc rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; rà soát thông tin tuyên truyền đến địa phương, hướng dẫn cho người dân biết và phòng ngừa; kiểm tra và tháo gỡ ngay các điểm có nguy cơ tích nước, cắm biển cảnh báo.
Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bởi đây là yếu tố quyết định trong việc ứng phó; thành lập lực lượng xung kích phải bài bản, hoạt động có hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở việc lập danh sách…
Duy Tuyên