1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Ruộng đồng khô hạn, "biển nước" bị lãng phí vô tội vạ

(Dân trí) - Trong khi hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở nhiều biển ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thiếu nước sản xuất trầm trọng, thì hàng triệu mét khối nước tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang bị lãng phí một cách vô tội vạ.


Nghịch cảnh xót xa

Tháng 4 mới chỉ là khởi đầu của mùa khô hạn, vậy mà đi dọc suốt 6 xã bị ảnh hưởng của đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi dễ dàng cảm nhận được khốn cảnh của người dân trong cơn quay quắt thiếu nước. Không thể đếm hết có bao nhiêu giếng nước sinh hoạt, bao nhiêu ao hồ, khe suối ở đây bị trơ đáy. Số chưa trơ đáy, cạn kiệt cũng không thể dùng được, do nhiễm phèn đến đậm đặc.

Băng qua những cánh đồng rộng lớn ở các xã này, một thảm cảnh sản xuất bị đình đốn do thiếu nước hiện ra trước mặt. Những cánh đồng bỏ không, bị cát vùi lấp, bị sa mạc hóa một cách rất nhanh khiến an ninh lương thực trên địa bàn bị đe dọa một cách trầm trọng. Một cán bộ tại UBND huyện Thạch Hà thông tin, thực trạng này xảy ra tại nhiều xã ở vùng biển ngang, nhưng nặng nhất là 4 xã Hải, Khê, Đỉnh, Bàn (Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Bàn- PV). Tại 4 xã này, 100% diện tích nước tưới phụ thuộc vào tự nhiên, nên khi dự án khai thác sắt Thạch Khê triển khai, mạch nước ngầm bị mong mỏ ở độ sâu gần 30m hút. Ao hồ, khe suối vì thế cạn kiệt, một diện tích lớn đất bị bỏ hoang xuất phát từ thực trạng này.

Ruộng đồng khô hạn, biển nước bị lãng phí vô tội vạ
Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp tại 6 xã ảnh hưởng trực tiếp Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất trầm trọng. Thực trạng này một phần do moong mỏ Dự án khai thác Sắt Thạch Khê gây ra. 

Tại xóm 1 Thượng Hải, xã Thạch Hải, nơi có hơn 30 héc ta diện tích đất trồng rau màu và cây ăn quả vốn  - là nguồn sống của 64 hộ dân trong xóm - bị bỏ hoang do thiếu nước. Không đất canh tác nên cuộc sống bà Nguyễn Thị Hoa và hàng chục hộ dân trong xóm rơi vào cảnh cùng cực. Vì miếng cơm, cọng rau họ vẫn ra sức sản xuất, nhưng càng sản xuất người dân càng thất bại vì cây cối, hoa màu vừa trồng đã héo, chết.

“Trước đây, khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa triển khai người dân chúng tôi còn tự sản xuất được màu, cây ăn quả. Nhưng giờ thì quá khó. Cây cối xuống giống không phát triển được, về mùa khô hạn này thì chỉ được thời gian là héo chết. Đất đai vì thế người dân bỏ hoang hết cả rồi”- bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Văn Ninh, xóm 1 Đại Hải, xã Thạch Hải, bỏ công dẫn chúng tôi thị sát một cánh đồng trong xã bị bỏ hoang do thiếu nguồn nước sản xuất. Giọng ông Ninh tiếc nuối: “Đã mấy năm nay rồi, do thiếu nước chúng tôi không thể sản xuất được gì nữa. Nước ở đây, nói không quá là giờ quý như bạc như vàng vì hầu hết các ao hồ bị cạn kiệt”. Ông Ninh thở dài nói rằng, không biết rồi người dân nơi đây sẽ sống ra sao khi mà tình trạng thiếu nước sản xuất cứ tiếp tục kéo dài.

Có một nghịch cảnh xót xa, trong khi những cánh đồng khô hạn, đất đai nứt nẻ, bỏ không, người dân phải quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt, thì cả một biển nước mênh mông ước lượng hàng trăm ngàn m4 trong moong mỏ sắt đang bị Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC-PV) xả thải một cách vô tội vạ.

Ruộng đồng khô hạn, biển nước bị lãng phí vô tội vạ
Cả hồ nước mênh mông này đang bị lãng phí một cách vô tội vạ. Trung bình mỗi ngày, 2 máy hút có công suất 3.000m3 của Công ty CP Sắt Thạch Khê hút, xả thẳng ra biển hàng chục ngàn m3 nước. 

Theo điều tra của Dân trí, từ cuối tháng 3 đến nay, để bảo vệ moong mỏ (chiều dài hơn 1km, rộng hàng trăm mét, độ âm 25m), TIC bố trí hai máy có công suất 3.000m3/h hút liên tục 24/24h mỗi ngày xả thải thẳng ra biển. Và để hút cạn toàn bộ nguồn nước trong moong mỏ này, TIC phải hút liên tục trong vòng 2 tháng. Như vậy, lượng nước xả thải của TIC phải đạt con số hàng triệu m3 nước ra biển. Đấy là một sự lãng phí nguồn nước, nếu không muốn nói là có tội với hàng ngàn người dân vốn đang quay quắt trong cơn thiếu nước.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê bắt đầu triển khai từ tháng 9/2009 và được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Lãng phí đến bao giờ?

Làm việc với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - cho biết, việc đời sống sản cuất của người dân 6 xã bị ảnh hương khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay có thể phần nào được hạn chế nếu tận dụng được nguồn nước rất lớn từ mong mỏ của dự án này.

“Việc chủ đầu tư cho thải nguồn nước lớn từ moong mỏ như thế ra biển là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên nước của quốc gia, bởi nguồn nước này đủ để phục vụ cho đời sống sản xuất của người dân 6 xã bị ảnh hưởng bởi dự án này”- ông Hương nói.

Theo ông Hương, việc tận dụng nguồn nước từ moong mỏ sắt Thạch Khê phục vụ sản xuất nông nghiệp là không quá khó, chỉ cần TIC triển khai đúng cam kết việc thi công các tiểu dự án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, cũng như nước sản xuất khi điều chỉnh dự án. Cụ thể, TIC phải chi tiền, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà thi công một số hồ lắng, hệ thống kênh dẫn dòng, dẫn nước từ moong mỏ về tận các cánh đồng cho người dân.

Chưa biết bao giờ nguồn nước bơm xả ra biển này sẽ được tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp?
Chưa biết bao giờ nguồn nước bơm xả ra biển này sẽ được tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp?

“Các tiểu dự án dẫn dòng này đã được đề cập, được TIC cam kết khi điều chỉnh dự án. Tuy nhiên đến nay như chúng tôi được biết, do thiếu vốn đầu tư nên chủ đầu tư chưa thể triển khai”- ông Hương nói thêm.

Có thể nói, việc hàng triệu m3 nước tại khu vực hạn hán, khô cằn, nghèo khó bậc nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện được chủ đầu tư dự án khai thác sắt Thạch Khê bơm, xả thẳng ra biển là một sự lãng phí đầy xót xa. Người dân ở vùng đất này không biết bao giờ sự lãng phí này sẽ được chấm dứt, sẽ được tận dụng để giúp họ phần nào gây dựng lại đời sống nông nghiệp vốn đã bị đình trệ suốt nhiều năm nay?

Văn Dũng - Huy Thái