1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn

(Dân trí) - Hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu chết cháy vì thiếu nước, hàng chục ngàn người dân thiếu nước sinh hoạt... Người miền Tây đang quay quắt vì hạn, mặn.

Hạn, mặn nghiêm trọng ở miền Tây.

Xâm nhập mặn, hạn hán là thực trạng được dự báo nhiều năm nay ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. "Vựa lúa" của cả nước mỗi năm đều phải gồng mình chống đỡ lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Tuy vậy, mỗi năm hạn, mặn lại diễn biến khác nhau nên người dân không có phương án phù hợp để chống đỡ.

Theo thống kê, tỉnh Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Việc nuôi thủy sản đang gặp khó khăn, 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng chục ngàn hộ dân tại các khu vực cù lao bị thiếu nước ngọt sử dụng. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 1

Đất đai nứt nẻ nghiêm trọng vì thiếu nước. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 2

Ruộng lúa chết khô. 

Tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập ảnh hưởng tới 2.270 ha lúa. Hơn 36.000 ha vườn cây ăn trái đang thiếu nước trầm trọng. Hơn 800.000 dân trên địa bàn TP Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh cũng thiếu nước ngọt sử dụng từ nhiều tháng qua. 

Tại tỉnh Long An, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha, trong đó, có 2.600 ha ở huyện Thủ Thừa và Tân Trụ có khả năng mất trắng. Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục nghìn hecta cây trồng thiếu nước tưới, hàng nghìn hecta lúa chết khô…

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 3
Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 4

Người dân bất lực nhìn các ruộng lúa chết dần. 

Ghi nhận tại khu vực huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) nhiều vườn bí rộng hàng chục ngàn m2 đã chết khô hoàn toàn. Các ruộng bí nứt nẻ vì thiếu nước nhiều tháng qua, bí non rụng đầy dưới ruộng. Những giàn bí cách đây vài tháng còn xanh mướt nay đã khô cứng như vừa bị thiêu rụi. 

"Gia đình tôi trồng hơn 3 công (3.000m2) bí, cả gia đình đi vay mượn đầu tư hơn 100 triệu đồng. Giờ không có nước, bó tay. Khô hết, chết hết. Giờ không có nước thì không làm gì được, trồng cây gì chết cây đó, không biết sống sao luôn", anh Nguyễn Văn Bằng (ngụ xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) nghẹn ngào. 

Để cứu vườn bí, gia đình anh Bằng thậm chí "nhịn uống, nhịn tắm" để tưới cây nhưng giờ không thể cứu vãn vì hạn mặn quá cao. Nguồn nước được UBND huyện cấp phát miễn phí giờ gia đình anh cũng dùng tằn tiện mới đủ phục vụ sinh hoạt. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 5
Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 6

Giàn bí nhà anh Bằng cháy rụi như bị lửa đốt. 

Cách gia đình nhà anh Bằng khoảng 2km, ruộng lúa nhà bà Đặng Thị Thanh cũng chết khô. Khu vực quanh nhà bà Thanh, các ruộng lúa rộng bát ngát đã trổ bông nhưng cũng dần dần cháy rụi, đỏ rực. 

"Đau xót lắm, hơn 2ha ruộng của gia đình tôi không thu được gì, năm nay không biết sống sao. Ở đây nguyên cánh đồng đều chết khô, người nông dân đổ hết tiền của vào đây giờ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay chứ biết làm sao bây giờ", chị Thanh chia sẻ. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 7

Nông dân đau xót nhìn ruộng lúa tang hoang vì hạn mặn. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 8

Nhiều khu vực lúa trổ bông nhưng vẫn chết cháy. 

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An, hiện tại, tình hình xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp, trên các sông chính, độ mặn đã cao hơn nhiều so với năm 2016. Tình hình hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân tại các huyện vùng hạ của tỉnh. 

Ước tính đến thời điểm hiện tại có gần 4.200 ha lúa, 1.220 ha thanh long, hơn 6.520 ha chanh… sẽ bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại do hạn mặn trong toàn tỉnh, tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa… đã có hàng nghìn ha lúa, rau màu bị khô cháy, thiệt hại. Dự kiến, hạn mặn sẽ diễn ra nghiêm trọng từ nay đến hết tháng 5/2020. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 9

Long An chi hơn 1,3 tỷ đồng giải cứu nước sinh hoạt cho người dân. 

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 10

Tỉnh Long An cũng đã tổ chức xây dựng một số cống, đập ngăn mặn; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước để thích hợp với các vùng bị hạn mặn cũng đang dần được triển khai. 

Để hỗ trợ người dân, UBND tỉnh Long An đã cùng các cơ quan chức năng chở nước miễn phí phục vụ người dân từ nhiều ngày qua. Dự kiến, Long An sẽ chi khoảng 1 tỷ 300 triệu đồng để phục vụ việc cấp nước cho người dân; trong đó 800 triệu đồng chi phí thuê xe chở nước, 70 triệu đồng tiền nước, 140 triệu đồng tiền vật tư, 288 triệu đồng hỗ trợ người dân mua bồn.

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 11

Dù cực nhọc nhưng người dân vẫn hân hoan vì có nước sử dụng.

Ruộng đồng chết khô, miền Tây quay quắt trong cơn hạn, mặn - 12

Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm