1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Rừng thông cổ thụ “đẹp như Đà Lạt” dần biến mất

(Dân trí) - Những rừng thông cổ thụ tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) từng được so sánh với vẻ đẹp của những đồi thông mộng mơ Đà Lạt. Thế nhưng, từ diện tích 80 ha, giờ đây rừng thông cổ thụ chỉ còn chưa đầy 15 ha. Vẻ đẹp hoang sơ của rừng thông cổ thụ Ba Tơ đang biến mất do sự tác động của con người vì lợi ích kinh tế.


Rừng thông xanh tốt còn lại tại huyện Ba Tơ đang kêu cứu trước sự bức tử của con người vì lợi ích kinh tế.

Rừng thông xanh tốt còn lại tại huyện Ba Tơ đang kêu cứu trước sự "bức tử" của con người vì lợi ích kinh tế.

Rừng thông Ba Tơ được trồng từ đầu những năm 1980 với diện tích trên 100 ha tại địa bàn các xã Ba Thành, Ba Cung (huyện Ba Tơ). Sau một thời gian trồng, diện tích rừng thông phát triển xanh tốt còn lại khoảng 80 ha. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2005 - 2010, những rừng thông tươi tốt dọc quốc lộ 24 "bỗng dưng" héo vàng rồi chết dần.

Tốc độ thông chết tăng lên nhanh chóng sau đó. Nguyên nhân chính do người dân cố tình phá rừng thông lấy đất trồng keo nguyên liệu. Đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng thông trên địa bàn huyện Ba Tơ còn chưa đến 15 ha. Điều đáng nói là những cây thông cổ thụ vẫn tiếp tục chết khô bên cạnh những rừng keo nguyên liệu xanh tốt.

Diện tích thông cổ thụ ít ỏi còn lại đang tiếp tục chết khô.
Diện tích thông cổ thụ ít ỏi còn lại đang tiếp tục chết khô.

Ông Phạm Thuần - Giám đốc BQL rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ trầm ngâm, khoảng 10 - 15 năm trước, dọc tuyến quốc lộ 24 nối liền quốc lộ 1 với trung tâm huyện Ba Tơ bạt ngàn thông. Đi qua đoạn đường này ai cũng ngỡ như mình đang đến với thành phố Đà Lạt mộng mơ. Thế mà chỉ cần 2 vòng đời của cây keo nguyên liệu, những rừng thông trên 20 năm tuổi xanh tốt cứ teo tóp dần.


Cây keo nguyên liệu lấn dần những rừng thông cổ thụ.

Cây keo nguyên liệu lấn dần những rừng thông cổ thụ.

Theo ông Thuần, hiện khu vực rừng do BQL rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ quản lý chỉ còn khoảng 3,3 ha rừng thông cổ thụ. Tuy nhiên, diện tích thông này cũng đang "kêu cứu" do người dân vẫn lén lút triệt hạ cây thông lấy đất trồng keo.

"Người dân lợi dụng ban đêm lên rừng bóc từng mảng vỏ thông rồi bỏ đó. Một thời gian sau là cây thông chết. Cứ thế, cây thông chết đến đâu là cây keo mọc lên đến đó", ông Thuần cho biết.

Để bảo vệ diện tích rừng thông ít ỏi còn lại trong phạm vi quản lý, BQL rừng phòng hộ khu đông huyện Ba Tơ đã xin kinh phí để trồng mới 3,86 ha sao đen, dầu rái quanh khu vực rừng thông. Việc trồng mới rừng nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của cây keo trên diện tích đất trống quanh diện tích rừng thông còn lại tại khu Đông huyện Ba Tơ.

"Bên cạnh việc trồng mới rừng để làm "lá chắn" cho diện tích thông còn lại, chúng tôi kiến nghị xử lý nghiêm những hộ dân lấn đất rừng để trồng cây keo nguyên liệu. Nếu cứ để tình trạng lấn đất trồng keo tiếp diễn thì chẳng bao lâu nữa rừng thông Ba Tơ sẽ bị xóa sổ", ông Thuần chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đàm Minh Tâm - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ba Tơ cho biết, việc quản lý diện tích rừng thông trên địa bàn huyện Ba Tơ là rất khó. Vì mục đích lấn đất trồng keo, người dân tìm mọi cách để "triệt hạ" rừng thông cổ thụ.

Đối với cây thông, chỉ cần bóc một đoạn vỏ hoặc đóng đinh vào thân là cây sẽ chết dần. Hành vi này của người dân rất khó để phát hiện, xử lý.

"Mỗi ngày, người dân lên núi canh tác họ chỉ phá vài cây, cứ tiếp tục như thế từ ngày này qua ngày khác để thông chết dần. Công tác kiểm tra đã được thực hiện nhưng hành vi phá rừng thông của người dân rất khó để phát hiện vì cây thông bị phá hoại rất lâu sau mới chết", ông Tâm cho biết.

Ngoài việc kiểm tra, ngăn chặn người dân phá rừng thông; công tác tuyên truyền bảo vệ rừng cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, vì lợi ích cây keo nguyên liệu mang lại quá lớn nên người dân huyện Ba Tơ vẫn tiếp tục phá rừng thông cổ thụ lấy đất trồng keo.

Hàng chục ha rừng thông cổ thụ xanh tốt dần biến mất. Số diện tích ít ỏi còn lại cũng sẽ bị xóa sổ nếu chính quyền địa phương không có giải pháp quyết liệt để bảo vệ trước thực trạng như hiện nay.

Hà Xuyên