1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Rùng rợn giết mổ gia cầm lậu

Có những điểm mỗi ngày giết gần cả ngàn con gia cầm lậu, đã hoạt động nhiều năm nay nhưng không hề bị ai “hỏi thăm”.

12 giờ ngày 3/1/2011, chúng tôi đến điểm “nóng” buôn bán gia cầm góc đường Phú Hữu - Trần Chánh Chiếu, quận 5 - TPHCM. Dù giữa trưa nắng chang chang nhưng nơi đây vẫn có cả chục điểm bày bán gà, vịt sống công khai hoạt động mà không ai kiểm tra. Giá gà sống 80.000 đồng - 95.000 đồng/kg, tùy loại, vịt xiêm 55.000 đồng/kg... Nếu giết mổ tại chỗ thêm 10.000 đồng/con.

 

Rùng rợn giết mổ gia cầm lậu  - 1

Một lò giết mổ gia cầm ở huyện Bình Chánh - TPHCM.

 

Chứa cả “trại” gà

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua gà đã giết mổ sẵn, bà chủ tên Nga nở nụ cười tươi, nói: “Mấy anh thông cảm, ở đây không được phép giết mổ mà phải sang “lò” ngay bên cạnh, chi phí 5.000 đồng/con. Muốn mua bao nhiêu cũng có”.

 

Cũng ngay trên đường Trần Chánh Chiếu, chúng tôi được dắt vào một lối đi tối thui rộng chưa tới 1 m dẫn vào một căn hộ rộng gần chục mét vuông trên tầng 2, nơi chứa gần cả trăm con gà sống. Một phụ nữ đội chiếc nón lá lụp xụp đang hì hục bơm bã đậu vào miệng gà (để làm tăng trọng lượng) hỏi: “Sao, đồng ý không?”. Chúng tôi chê gà không đẹp, lập tức cánh cửa đóng sầm lại, người dẫn đường tỏ vẻ khó chịu và bảo chúng tôi ra ngoài...

 

Trong vai người cần đặt mua số lượng lớn gà giết mổ sẵn để bán nhà hàng, chúng tôi được một phụ nữ tiếp đón nồng hậu: “Chỉ cần đặt trước vài giờ sẽ có hàng giao tận nơi, gà không đẹp không lấy tiền. Nếu cần lấy nhanh sẽ có cả chục người giết mổ”. Chúng tôi đi vào nơi giết mổ. Khu vực này chỉ rộng hơn chục mét vuông, mọi công đoạn giết mổ đều diễn ra trên sàn xi măng nhầy nhụa nước thải, tiết gà, vịt và phân, lông...

 

Tại khu vực đường Tân Sơn (chợ Tân Sơn, quận Gò Vấp - TPHCM), chúng tôi cũng ghi nhận có hơn chục điểm bán gia cầm sống và giết mổ tại chỗ. Phần lớn các điểm này đều giết mổ miễn phí cho khách. Bà Sáu bán gà tại đây cho biết lúc trước có vài ba người bán nên còn giết mổ lấy tiền công nhưng gần đây có quá nhiều người bán nên phải cạnh tranh bằng cách giết mổ miễn phí cho khách. Cả một khu vực bốc mùi hôi thối do mọi thứ chất thải (phân, lông, ruột, máu) đều được dồn xuống cống rãnh ngay trong khu vực...

 

Tại khu vực chợ thủy sản (ngã ba Phan Văn Trị - Thống Nhất, quận Gò Vấp), có một lò giết mổ đặt ngay trên vỉa hè, khách mua gia cầm đều được giết mổ tại chỗ. Tại đây có trang bị “dây chuyền” giết mổ thuộc dạng bán công nghiệp (có giàn cắt tiết gia cầm có thể cắt tiết đến 5 - 7 con gà, vịt cùng lúc) nên người mua, kẻ bán rất sôi động... Theo dõi gần như suốt buổi sáng 3/1, chúng tôi không hề thấy cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở...

 

Quá bẩn!

 

Có mặt tại khu vực đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức-TPHCM từ lúc 14 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút ngày 3/1, chúng tôi nhận thấy dọc theo hai bên lề đường có đến 7 điểm bán gia cầm sống nhận làm sẵn cho khách. Khu vực giết mổ của 7 điểm nói trên hết thảy đều rất dơ bẩn, có điểm nằm ngay cạnh khu vực chứa rác, ruồi nhặng, rác rến bốc mùi hôi thối.

 

Chúng tôi dừng lại khá lâu tại một điểm đông khách và quan sát: Cứ khoảng 5 phút là có một khách đến mua. Điểm này có cả thảy 5 người bán, thay ca nhau bán từ sáng đến chiều tối. Khu vực giết mổ gà, vịt của họ đặt ngay trên một nắp cống thoát nước.

 

Khi khách chọn được gà, chị bán hàng khóa cánh rồi kẹp con gà vào hông để cắt tiết. Bao nhiêu tiết gà được đựng chung vào một cái chén nhựa cáu bẩn. Khách hàng cần lấy tiết về thì chủ quán sẽ đổ sang một bịch ni lông nhỏ. Qua theo dõi, chúng tôi ghi nhận điểm bán và giết mổ này mỗi ngày tiêu thụ bình quân từ 60 - 70 con gà, vịt.

 

Tuy nhiên, dụng cụ giết mổ vô cùng đơn giản, chỉ có một cái xoong nấu nước, một bếp gas nhỏ. Khi gà đã nhúng nước sôi, người bán gà sẽ mang 2 - 3 con gà quăng lên nắp cống, sẽ có 2 người chuyên ngồi vặt lông và mổ gà. Bao nhiêu lòng, chất thải, lông và tiết được họ thải trực tiếp xuống cống.

 

Chúng tôi hỏi vì sao làm ăn lâu dài mà không đầu tư thiết bị cho sạch sẽ hơn, chị chủ hàng nói: Làm ở lề đường thì vậy thôi. Lỡ có bị Quản lý thị trường kiểm tra chỉ cần chạy bu gà, còn xoong nồi, bếp gas bỏ đi cũng không tiếc...

 

Theo Long Giang - Hà Minh

 Người lao động