Rừng rễ Côn Sơn
(Dân trí) - Có một “cánh rừng” khác vô danh bên cạnh rừng thông Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) nổi tiếng, đó là rừng rễ hay cây thanh hao mà theo truyền thuyết thì có cùng tuổi đời với rừng thông.
Trong sách “Những cây thuốc Việt nam”, dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã viết: “Cây thanh hao dùng để chỉ cây chổi sể. Cây này có nhiều cành, có thể cao tới 2m, cành rất nhỏ, lá mọc đôi, hình lá kim dài chừng 1cm, có những hạch màu nâu. Hoa nhỏ trắng mọc đơn độc ở kẽ lá… Trong cây có tinh dầu màu vàng, gần như tinh dầu khuynh diệp. Nhân dân thường lấy về làm chổi quét nhà. Lá dùng cho vào chum vại đựng đậu xanh hay để quần áo, tránh nhậy và sâu bọ cắn hại. Người ta đau bụng thường nằm trên chiếc võng thưa, đốt cây chổi sể”.
Bãi rễ nằm ở phía nam chân núi Côn Sơn diện tích khoảng 15ha. Theo truyền thuyết, sau khi cáo quan về trí sĩ ở Côn Sơn, Tư đồ Trần Nguyên Đán đã trồng rất nhiều thông ở núi Côn Sơn. Vợ ông thì cấy rễ, đem màu xanh cây thanh hao phủ lên khắp vùng đất hoang ở dưới chân núi. Vì thế cây thông, cây rễ đã gắn liền với đất Côn Sơn trong câu nói cửa miệng từ ngày xưa “ông trồng thông, bà cấy rễ”.
Hiện nay, rừng rễ cho người dân đấu thầu khai thác, hàng năm nhiều gia đình ở đây có thu nhập hàng triệu đồng từ rừng rễ lịch sử này.
Cây rễ vẫn được khai thác làm chổi tuy nhiên theo người dân ở đây thì có doanh nghiệp đã thu mua rễ để xuất khẩu.
Mỗi năm gia đình anh Đức (ảnh) thu hoạch rễ một lần vào khoảng tháng 6 âm lịch.
Rừng rễ và rừng thông thuộc về lịch sử của Côn Sơn.
Rừng rễ vẫn ngày thêm tươi tốt.
Người già bảo rằng: Rừng rễ xanh tốt có từ khi họ mới chào đời.
Lê Anh Tuấn