1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng do buông lỏng quản lý!

(Dân trí) - Trước tình trạng rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị tàn phá nghiêm trọng, UBND huyện Vĩnh Linh đã lập đoàn công tác vào kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và xác định rừng bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ trên diện tích rộng, do cơ quan chức năng thiếu chủ động cùng với việc quản lý lỏng lẻo.

“Lâm tặc” ngang nhiên “xẻ thịt” rừng đầu nguồn!

Thời gian gần đây, rừng tự nhiên đầu nguồn tại địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh bị xâm hại khá nghiêm trọng. Hàng chục cây gỗ có đường kính lớn đã bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc, khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc. Người dân càng phẫn nộ hơn bởi sự việc vẫn xảy ra khi Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên ngày 20/6/2016.

Nhiều phách gỗ được các đối tượng lâm tặc xẻ ngay giữa rừng
Nhiều phách gỗ được các đối tượng "lâm tặc" xẻ ngay giữa rừng

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại Quảng Trị cho thấy, cánh rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn đang “chảy máu”, rừng bị lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt” đêm ngày, như không hề hiện diện các cơ quan chức năng tại đây. Để thuận tiện cho việc đốn hạ gỗ rừng, các đối tượng lâm tặc còn đưa cả xe ô tô, xe trâu kéo, cưa máy vào rừng, sẵn sàng đốn hạ các cây gỗ lớn.

Trước tình trạng trên, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và UBND huyện Vĩnh Linh lập đoàn công tác, khẩn trương vào rừng kiểm tra hiện trường để có biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Ngay trong sáng 5/8, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra, một đoàn do Hạt Kiểm lâm huyện chủ công và đoàn còn lại do Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh trực tiếp vào rừng khảo sát, cùng sự có mặt của đại diện các cơ quan liên quan. Đoàn đã tiến hành kiểm tra trong 3 ngày để xác định mức độ rừng bị chặt phá, trữ lượng, chủng loại gỗ bị chặt hạ.

Lâm tặc đốn, xẻ gỗ mang đi, để lại những gốc cây trơ trọi
Lâm tặc đốn, xẻ gỗ mang đi, để lại những gốc cây trơ trọi

Chiều ngày 8/8, một cuộc họp đã được tổ chức tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Linh nhằm công bố kết quả bước đầu sau chuyến kiểm tra. Đại diện các cơ quan chức trách đều thừa nhận có xảy ra tình trạng chặt phá rừng tại khu vực vùng núi huyện Vĩnh Linh. Đoàn kiểm tra khẳng định, đây là thực trạng nhức nhối đã kéo dài từ nhiều năm qua chứ không chỉ giai đoạn hiện nay.

Được UBND huyện giao nhiệm vụ kiểm tra hiện trạng rừng bị chặt phá, ông Lê Phương Nam - Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh cho biết, trước thông tin các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, Công an huyện cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức kiểm tra tại địa bàn xã Vĩnh Hà và xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại địa bàn xã Vĩnh Hà, phần diện tích Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý có một số cây gỗ đường kính từ 30-35cm đã bị chặt phá, dấu vết đã cũ. Tại tọa độ X 568604 – Y 1870914 có phát hiện rừng bị chặt phá và đốt cháy, ở Lô 1, khoảng 47, tiểu khu 585. Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá là 0,775 ha.

Ông Lê Phương Nam, Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh thông báo kết quả kiểm tra
Ông Lê Phương Nam, Trưởng Công an huyện Vĩnh Linh thông báo kết quả kiểm tra

Tiếp tục kiểm tra tại địa bàn xã Vĩnh Ô, ở 8 điểm kiểm tra đều có hiện tượng gỗ rừng bị chặt phá, nhiều cây gỗ lớn đã bị đốn hạ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 27 hộp gỗ, có khối lượng 7,915m3.

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc
Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc

Ông Nam cho hay: “Qua quá trình điều tra, xác minh, Công an huyện đã làm rõ 2 đối tượng Hồ Văn Trinh (SN 1990) và Hồ Văn Dinh (SN 1993, đều trú tại thôn Lền, xã Vĩnh Ô) đã có hành vi chặt phá 21 cây gỗ tại tiểu khu 582. Hiện công an huyện Vĩnh Linh đang củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định”.

Căn cứ kết quả kiểm tra cho thấy, tại các điểm có tọa độ X 0688.227- Y 1871.570, X 0688.235 – Y 1871.585 có tập kết gỗ với khối lượng 5,077m3. Tại điểm X 0688.194 – Y 1871.571 có 14 cây gỗ các loại bị chặt hạ trong phạm vi có diện tích 1,72 ha.

“Cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng thiếu sâu sát, quản lý lỏng lẻo”

Tại cuộc họp tổ chức lần này, các lực lượng tiến hành “truy vấn” trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra hiện tượng phá rừng. Về phía BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (chủ rừng) cho hay: “Có rất nhiều đường vào rừng, khi Công ty Bến Hải giao rừng cho BQL, lâm tặc vào rừng khai phá nhiều, chúng tôi đã đẩy đuổi ra sau đó. Nhưng hiện tại, do địa bàn rộng, người dân cho xe trâu vào khai thác gỗ làm nhà. Còn việc xe ba cầu, xe cơ giới vào khai thác tận diệt đã hạn chế, tuy nhiên, các đối tượng vẫn hoạt động lén lút. Lực lượng của chúng tôi mỏng, không có công cụ gì hỗ trợ, chỉ 2 hai bàn tay trắng và cách thức ngăn chặn là vận động mà thôi”.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải khẳng định đơn vị đã tiến hành kiểm tra dọc tuyến đường Lò Than, dấu vết không nhiều, có nhiều vết tích chặt lâu rồi, có mới nhưng không nhiều lắm. Trạm kiểm soát của BQL được giao phụ trách xã Vĩnh Ô và Vĩnh Hà, gần 10.000ha. Việc xe trâu vào rừng khai thác gỗ là có, nhưng lực lượng không bao quát được vì quá nhiều việc. Xe trâu vào rừng bằng rất nhiều cửa, việc chốt chặn là rất khó vì lực lượng mỏng.

Trong khi đó, đại diện Trạm kiểm lâm Bến Quan nói, do lực lượng kiểm lâm mỏng, chưa được trang bị trang thiết bị, người dân thiếu đất sản xuất nên vào rừng phá.

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị khẳng định, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản ở tuyến này có từ nhiều năm nay. Ông Trung nói, chỉ trong năm nay đã có 32 vụ vi phạm, so với năm ngoái, số lượng tương đương nhưng khối lượng rừng bị phá tăng lên. Trước đó, các lực lượng có tổ chức chốt chặn ở ngã ba Đầu Đạn do đội kiểm lâm lưu động phụ trách, sau đó tình trạng phá rừng này giảm hẳn nên lực lượng này rút, giao lại cho Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, nhưng số lượng cán bộ Hạt kiểm lâm ít, không bao hết.

Số gỗ cơ quan chức năng chặn bắt, tạm giữ
Số gỗ cơ quan chức năng chặn bắt, tạm giữ

Ông Trung nói thêm, vào cuối tháng 7, cơ quan ông có nhận được thông tin về việc phá rừng, đã cử người đi kiểm tra mới phát hiện có nhiều gỗ ở rừng. Đầu tháng 8, khi thông tin phá rừng lan rộng, đơn vị liền triển khai đi bắt được 16m3 gỗ trong 2 ngày. Tiếp đó, đơn vị bắt được khoảng 70m3 gỗ. Hiện tại, trên địa bàn, lực lượng đã bắt được khoảng 80m3 gỗ.

Người đứng đầu ngành Kiểm lâm cho biết, sẽ xử lý hậu quả vụ phá rừng, đưa toàn bộ số gỗ còn lại trong rừng về để có biện pháp xử lý. Đối với cán bộ để xảy ra phá rừng, đơn vị sẽ xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm. Trước mắt, ngành điều động 2 kiểm lâm rời khỏi địa bàn để thay người khác.

Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Sự việc xảy ra vừa rồi là tương đối nghiêm trọng, hết sức nóng. Lâm tặc được tổ chức tinh vi, manh động. Còn công tác tổ chức cán bộ còn lỏng lẻo, kể cả lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm. Việc này không thể nói cho qua được mà phải làm nghiêm túc”.

Ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để rừng bị chặt phá
Ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để rừng bị chặt phá

Chủ trì cuộc họp giải quyết thông tin vụ phá rừng, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT nói rằng, việc phá rừng là có. Ông Hưng nói: “Bất kỳ nguyên nhân gì, để xảy ra tình trạng xâm hại rừng là có sự bất cập, buông lỏng quản lý. Các cơ quan thực thi chức năng nhiệm vụ chưa làm rõ chức năng của mình. Đó là BQL rừng phòng hộ, kiểm lâm... Cần tiếp thu và chấn chỉnh gấp. Khai thác vài chục cây mà không biết là không phải”.

Ông Hưng nhấn mạnh, cần nghiên cứu lại các điểm chốt chặn, để chốt những điểm huyết mạch. Đề nghị huyện thành lập tổ, kiểm lâm tăng cường đội cơ động phối hợp với Hạt kiểm lâm chốt chặn lại. Đề nghị BQL rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm tiếp tục phát hiện những địa điểm khác, tìm ra những đối tượng vi phạm để truy tố, làm nghiêm khắc để làm gương cho những nơi khác.

Đăng Đức