Rùng mình sữa bột bán cân

Hồi trung tuần tháng 3, sự kiện một cháu bé 2 tháng tuổi phải nhập viện do uống sữa bột bán cân đã khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Tuy nhiên, tại các chợ, trên “phố sữa” Nguyễn Thông (TPHCM) và những chợ lớn tại Hà Nội, vẫn tấp nập kẻ bán người mua sữa bột bán cân.

TPHCM: Sữa bột cân “4 không”

 

Sữa bột cân được bán nhiều ở các quầy sữa và tạp hóa ở 2 bên hông chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Tại các quầy sữa này, ngoài các loại sữa của các công ty lớn như Vinamilk, Nutifood Việt Nam, Dutch Lady, New Zealand Milk, Abbott..., sữa bột bán cân cũng là sản phẩm không thể thiếu để phục vụ cho những người thu nhập thấp và để chế biến các sản phẩm trà sữa, sữa chua, sữa bột pha kem…

 

Tại quầy sữa T.H sát nách chợ Phạm Văn Hai, tôi hỏi mua sữa bán cân, chủ quầy liền chạy vào trong lấy ra một bịch sữa được đựng trong túi nilon, cột qua loa sợi dây thun  rồi đưa lên bàn cân và cho biết giá 40 nghìn/kg.

 

Tôi thắc mắc vì không biết nguồn gốc của sữa từ đâu ra, chất lượng như thế nào, nhãn mác và hạn sử dụng, thành phần đều không có… thì chị này cho biết, đây là loại sữa Pam được nhập từ New Zealand, loại 25kg/bao, sau đó chiết ra từng bịch có trọng lượng 1kg để bán lẻ, hạn sử dụng 1 năm (?!).

 

Sữa bột cân người ta hay gọi “4 không”: Không nhãn mác, không đảm bảo vệ sinh, không hạn sử dụng, không nguồn gốc... vẫn bán tràn lan tại chợ Phạm Thế Hiển ở quận 8 và chợ Bình Tây ở quận 6.

 

Khi chúng tôi có mặt tại đây,  không khí mua bán sữa vẫn tấp nập. Chị Nguyễn Thị Hà, ở Phú Lâm, Q.6 cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn ra chợ Bình Tây mua sữa cân để làm trà sữa cho 2 cháu nhỏ uống. Gia đình tôi đã dùng 2 năm nay bởi giá rẻ. Nghe họ nói hạn sử dụng 12 tháng, chiết ra từ bao lớn nên tôi cũng yên tâm”.

 

Trong khi đó, tại “phố sữa” trên đường Nguyễn Thông, Q. 3 , sữa nội, ngoại nhập đều tràn lan và sữa cân vẫn là “một phần không thể thiếu”. Tại quầy sữa tên Thông ở địa chỉ 55, chị chủ cửa hàng này cho xem hàng chục bịch sữa cân được chiết ra từ trước đang bỏ trong thùng và “hét” giá 50 nghìn/kg.

 

Chị chủ quầy sữa Thông cho biết: Nguồn sữa bột này nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia, New Zealand...  nên yên tâm về chất lượng.

 

Đa số loại sữa này đều đóng bao dạng 25 kg, sau đó chiết ra rồi bán. Khi chúng tôi qua quầy sữa Bích N. nằm cạnh quầy sữa Thông, thấy hai người đang ngồi bệt dưới đất chiết sữa ra bao, không mang bao tay, khẩu trang…

 

Mua 10 tặng 1!

 

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, vào trung tuần tháng 3, nơi đây  đã tiếp nhận bé B.V.T 2 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng tiêu chảy, phù mặt, chân và có rối loạn sắc tố da.

 

Mẹ bé cho biết đã cho bé uống sữa bột cân, loại 28 nghìn đồng/kg bán ở chợ từ 10 ngày sau sinh cho đến khi T. lên 2 tháng tuổi, hệ quả là T. đã bị suy dinh dưỡng thể phù.

 

Theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc, suy dinh dưỡng thể phù xảy ra khi trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein.

 

Nguy hại ở chỗ, trẻ em bị suy dinh dưỡng thể phù dễ khiến cho người nhà thường lầm tưởng là bé mập mạp, lên cân tốt nên càng tin tưởng hơn vào loại sữa đang dùng.

Đó là “chiêu” khuyến mãi của các tiểu thương ở chợ và chủ các cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông. Theo như các chủ cửa hàng bán sữa bột thì đa số những người mua sữa nhiều để về chế biến làm sữa chua, kem pha sữa… Nếu mua nhiều sẽ được giảm giá.

 

Tại cửa hàng số 57 trên đường Nguyễn Thông, chị chủ cửa hàng ra giá cho loại sữa cân mà theo chị nhập từ Hà Lan với giá 85.000đ/kg. “Nếu anh mua cả bao 25kg thì tôi sẽ giảm 1.500đ/kg” - chị này nói.

 

Chúng tôi bảo ở một số quầy tại chợ Bình Tây và Nguyễn Tri Phương, quận 10 giá mềm hơn, chỉ 30-40 nghìn đồng/kg, chủ cửa hàng này cho biết loại sữa ký của Hà Lan này tăng giá gần 1 tháng nay nên chỉ những người mới vào nghề làm sữa chua mới mua; còn những người có “kinh nghiệm” lâu năm chuyển sang loại sữa khác, có giá khoảng 30 đến 50 nghìn/kg để kiếm lời.

 

Khác với chợ sữa trên đường Nguyễn Thông, tại chợ Nguyễn Tri Phương, Bình Tây…, nhiều chủ cửa hàng “khuyến mãi” đặc biệt hơn: Mua 10 tặng 1!

 

Tại kiốt có tên H. trong chợ Bình Tây, một phụ nữ cho chúng tôi xem một loại sữa Pam rồi quảng cáo: Có 2 dạng bao 25kg và nhỏ hơn. Nếu mua nguyên cả bao 25kg sẽ khuyến mãi 3kg, mỗi kg giá 80 nghìn đồng.

 

Cũng tại khu chợ này, giá cả của sữa bột cũng vênh nhau đến bất ngờ. Ở một kiốt tên Hoàng, chủ kiốt ra giá 35 nghìn/kg cho loại sữa Hà Lan. Trong khi đó, ở một kiốt khác có giá tới 70- 80 nghìn/kg. Các kiốt luôn quảng cáo hàng tốt, chất lượng, mua bao nhiêu cũng có và khuyến mãi hậu hĩnh.

 

Hà Nội: Sữa bán cân không nguồn gốc tràn lan

 

Trên phố Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân (Hà Nội), người tiêu dùng có thể tìm mua đủ loại sữa bột đóng trong túi nilon, chủ yếu là loại 1kg/túi.  Đặc điểm chung của loại sữa cân này là không hề có nhãn mác.

 

Nguồn gốc của mỗi loại sữa được người bán tự ghi vào tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc “Made in Hà Lan”, “Made in Úc”, “Made in New Zealand”…, dán ngoài túi nylon. Một cân sữa túi cao nhất là 95.000đ, rẻ nhất chỉ có 32.000đ!

 

Những loại sữa này sản xuất từ khi nào, bao giờ hết hạn sử dụng? Chúng tôi không thể tìm thấy bất cứ thông tin nào đề cập đến chất lượng và độ an toàn của túi sữa.

 

Rùng mình sữa bột bán cân - 1
 

Sữa bột "4 không" bày đầy trên các "phố sữa".

 

Tại cửa hàng số 120 Hàng Buồm, chúng tôi hỏi mua sữa về bán giải khát. Chủ cửa hàng giới thiệu khoảng 20 túi sữa cân bày trên kệ. Không túi nào có nhãn mác, nhưng chị giới thiệu vanh vách đây là sữa Hà Lan, kia là sữa Úc,… Thắc mắc về nhãn mác, chị bực dọc: “Mua một thùng 25 kg mới có nhãn mác, chứ xé lẻ ra bán thế này lấy đâu ra!”.

 

Thấy chúng tôi phân vân, chị bán hàng khẳng định, mua loại sữa này mới yên tâm về chất lượng. Nếu tham rẻ mua loại sữa cân 30-50.000 đồng/kg thì chỉ có thể làm bánh chứ không thể pha ra uống hay làm sữa chua vì đó là những loại sữa kém chất lượng.

 

Ngay gần hàng chị, chủ một quầy nhỏ bán toàn ô mai thấy chúng tôi bước ra khỏi hàng sữa mà không mua được gì bèn gọi giật lại, mời mọc: “Tìm mua sữa cân à? Cần bao nhiêu tôi cũng có”.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, dù không phải khu vực chuyên kinh doanh sữa như phố Hàng Buồm nhưng chợ Đồng Xuân có lẽ tập trung nhiều nhất các loại sữa cân giá rẻ. Một cân sữa bất kỳ loại nào bán tại chợ này chỉ dao động từ 32.000 - 38.000đ/kg.

 

Tại kiốt Phương Lan, chủ cửa hàng đi vắng, người bán hàng thuê thật thà nói: “Ghi nhãn là “Made in Úc” nhưng sữa này nhập từ Đài Loan nên giá rẻ, bán lẻ 38.000 đồng/kg. Nếu mua buôn 37.000 đồng/kg”.

 

Sát cạnh kiốt Phương Lan, chủ kiốt Sửu lại quảng cáo sữa cân ở cửa hàng mình được nhập từ Hà Lan với giá bán rẻ hơn. Nếu mua với số lượng lớn chỉ có 36.000 đồng/kg.

 

Không biết dùng công nghệ nào mà nhiều túi sữa ở đây có màu vàng sẫm khá bắt mắt. Người bán hàng giải thích, màu càng vàng khi pha sữa càng đẹp mắt.

 

Chủ kiốt Sửu thấy khách đòi sữa màu vàng, sau một hồi “thích sữa màu vàng chúng tôi cũng có” lôi từ sau kệ hàng ra một gói sữa bám đầy bụi,  chiếc túi nilon bao ngoài nhàu nát và đen xỉn. Nhìn vào túi sữa này, chẳng biết nó đã tồn kho được bao nhiêu thời gian. Người bán một mực khẳng định: “Cứ mua đi, chất lượng đảm bảo!”.

 

Sáng qua, 8/4, đoàn thanh tra đã đi rà soát việc kinh doanh sữa bột bán cân tại phố Hàng Buồm (Hà Nội). Tại cửa hàng Tùng Yến số 120 Hàng Buồm, đoàn phát hiện có bày bán loại sữa bột cân, cacao và bột kem dẻo không nguồn gốc.

 

Đoàn đã tịch thu và tiêu hủy tại chỗ 1kg sữa cân của cửa hàng này. Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thừa nhận họ biết rõ việc buôn bán sữa bột cân cũng như nhiều loại thực phẩm không nguồn gốc khác tại chợ Đồng Xuân.

 

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng khó lòng tiến hành tịch thu; không thể ngày nào cũng có người canh gác ở chợ mà phải có hệ thống giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các bộ, ban ngành liên quan.

 

Chợ Đồng Xuân thường kinh doanh theo kiểu chỉ bày nhỏ lẻ vài gói sản phẩm và cất hàng chủ yếu tại kho. Khi nào người mua cần số lượng lớn, họ thỏa thuận tại một địa điểm nào đó rồi mang hàng đi luôn nên nếu tiến hành kiểm tra cũng không thể giải quyết tận gốc của vấn đề. Cách tốt nhất vẫn là câu khẩu hiệu muôn thuở: “Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình”.

 

Theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở nhập khẩu sữa khi tiến hành sang bao, đóng gói phải đảm bảo yêu cầu thực phẩm như: Phải có nhãn mác, nhãn phụ, trọng lượng và 8 thông số về hạn sử dụng, địa chỉ cơ sở đóng gói, công bố tiêu chuẩn chất lượng; cơ sở thực hiện việc đóng gói phải được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Theo Lê Nguyễn - Mỹ Hằng
Tiền Phong