1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rừng “chảy máu”, chòi canh rừng bị phá

(Dân trí) - Ngày 17/10, chính quyền xã A Bung, huyện Đakrông xác nhận, đã gửi văn bản báo cáo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị việc các đối tượng “đốt chòi canh rừng tại tiểu khu 758, 759 thuộc địa phận thôn A Bung”. Tiểu khu 758 cũng là nơi có tình trạng gỗ rừng bị lâm tặc đốn hạ.

Qua tìm hiểu, đây cũng là khu vực nảy sinh sự “nhập nhằng” quyền quản lý của 2 xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Gỗ rừng được các đối tượng cưa, xẻ, chỉ để lại phần bìa.
Gỗ rừng được các đối tượng cưa, xẻ, chỉ để lại phần bìa.

Theo ông Hồ Văn Pườm - Chủ tịch UBND xã A Bung, địa phương đã xây dựng 3 chòi bảo vệ rừng, đặt ở các thôn Cựp, A Bung, La Hót. Các chòi canh rừng được giao cho 47 hộ dân thôn A Bung (có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng) quản lý.

Đầu tháng 10/2018, chòi canh rừng đặt tại thôn A Bung bị xô đổ. Sau đó, xã A Bung sửa lại chòi thì đoàn công tác của xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến, yêu cầu dừng dựng chòi.

Chòi canh rừng bị các đối tượng phá hỏng.
Chòi canh rừng bị các đối tượng phá hỏng.

Ông Hồ Văn Pườm - Chủ tịch xã A Bung, khẳng định, các chòi nằm trong địa phận xã A Bung quản lý. Chòi canh bị phá hoại ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng của cán bộ và nhân dân xã A Bung.

Cơ quan chức năng đang tìm hiểu hành vi phá hoại.
Cơ quan chức năng đang tìm hiểu hành vi phá hoại.

Trong khi cả hai xã A Bung và Hồng Thủy đều cho rằng, khu rừng này thuộc quyền quản lý của địa phương mình. Chính quyền xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đưa ra bản đồ chứng minh Tiểu khu 758 thuộc quản lý của mình; ngược lại, chính quyền xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, cánh rừng nói trên thuộc địa giới hành chính của địa phương.

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ.

Dù 2 xã đều nhận quyền quản lý, nhưng nhiều cây gỗ rừng tại tiểu khu 758 đã bị đốn hạ từ khi nào không hay.

Lãnh đạo xã Hồng Thủy, huyện A Lưới cho biết, cần phải giải quyết dứt điểm “nhập nhằng” địa giới hành chính giữa hai xã A Bung và Hồng Thủy, để nhân dân làm ăn phát triển kinh tế ổn định. Từ đó, rừng thuộc địa phương nào thì địa phương đó sẽ có trách nhiệm quản lý.

Đ. Đức