“Rủi ro pháp lý đối với HUD dẫn đến thất thoát là rất lớn”
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho rằng đến nay các công ty thực hiện ủy quyền nợ đọng không thanh toán được tiền hạ tầng với quy mô rất lớn. Rủi ro pháp lý đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) dẫn đến thất thoát là rất lớn.
Theo Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), trong danh mục 61 dự án kinh doanh hạ tầng đô thị và dự án đầu tư công trình đang hạch toán theo dõi trên sổ kế toán tại thời điểm thanh tra có 23 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 38 dự án đầu tư xây dựng công trình. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh của 61 dự án là 31.744 tỷ đồng và quy mô diện tích đất điều 1.676,14 ha; trong quá trình thực hiện có 29 dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm trên 5.178 tỷ đồng, 11 dự án đang thực hiện dở dang chưa giải phóng mặt bằng 163,214 ha với chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chưa thực hiện gần 2.282 tỷ đồng.
Về khả năng thực hiện các dự án đầu tư, kết luận thanh tra cho biết mức vốn điều lệ của HUD được phê duyệt 3.981 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thực có trên 2.866 tỷ đồng, HUD đã đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác 2.727 tỷ đồng. Trong 61 dự án đã quyết định đầu tư, phần lớn ở giai đoạn trước năm 2011 có tổng mức đầu tư trên 31.744 tỷ đồng; tổng giá trị khối lượng đã thực hiện và thanh toán trên 11.497 tỷ đồng (bằng 36% tổng mức đầu tư); khối lượng chưa đầu tư còn lại đến hết năm 2012 là trên 20.246 tỷ đồng (trong đó có 15 dự án khối lượng chưa đầu tư còn lại 15.711 tỷ đồng).
“Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện các dự án là rất lớn, vượt quá nhiều năng lực tài chính hiện có của HUD; trong khi các nguồn vốn huy động khác cũng gặp khó khăn; một số dự án đang thiếu vốn, tiến độ kéo dài hoặc triển khai dở dang phải dừng gây lãng phí, đặc biệt là 1.676 ha đất Nhà nước giao. Tất cả các dự án hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành hoặc hết thời hạn đầu tư đều chưa quyết toán được”- kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Ủy quyền đầu tư trái Điều lệ tổ chức hoạt động
Theo kết luận thanh tra, các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp, mà HUD đã ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên. Giai đoạn 2010-2012 HUD đã ủy quyền đầu tư kinh doanh thông qua 43 hợp đồng, trị giá tiền đất có hạ tầng trên 4.143 tỷ đồng thuộc 6 dự án cho 14 công ty thành viên là những công ty cổ phần HUD chiếm trên 50% vốn điều lệ.
Theo Quy chế tài chính của HUD ban hành theo Quyết định số 168/QĐ-HĐQT ngày 1/2/2006 của Hội đồng quản trị HUD “các quan hệ kinh tế giữa Công ty mẹ với Công ty con được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế”, theo Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị HUD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 345/2011 quy định: “Doanh nghiệp cấp II do HUD giữ cổ phần, vốn góp chi phối…được tham gia kế hoạch phối hợp kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế với HUD”. Từ đây Thanh tra Chính phủ khẳng định việc HUD ủy quyền đầu tư kinh doanh dự án cho các công ty thành viên như đã thực hiện là trái Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của HUD.
Kết luận thanh tra cho biết nội dung chính các bên ký kết hợp đồng ủy quyền là: Các công ty thành viên phải thanh toán tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tiền sử dụng đất cho HUD; HUD có quyền thông qua phương án đầu tư kinh doanh, điều tiết lợi nhuận các dự án ủy quyền. Tuy nhiên HUD và các công ty thành viên không thực hiện đúng nội dung hợp đồng ủy quyền như: các công ty thành viên được ủy quyền không thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền hạ tầng cho HUD và HUD cũng không thực hiện quyền điều tiết lợi nhuận kinh doanh các dự án ủy quyền với các công ty thành viên thực hiện hợp đồng ủy quyền.
“Điển hình là ủy quyền đầu tư kinh doanh tại dự án Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội): HUD đã chuyển giao cho công ty thành viên cả những diện tích đất Nhà nước ưu đãi miễn không thu tiền sử dụng đất theo Nghị định số 71/2001 để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường; không thực hiện nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các khu chung cư cho TP Hà Nội (diện tích đất được miễn tiền sử dụng đất là 238.232m2, trị giá 53,6 tỷ đồng- tính theo đơn giá đất tương đương không được miễn cùng thời điểm)”- kết luận nêu rõ.
Đến nay các công ty thực hiện ủy quyền nợ đọng không thanh toán được tiền hạ tầng với quy mô rất lớn: Dự án Tây Nam hồ Linh Đàm có 11 công ty thành viên nợ trên 660 tỷ đồng; trong đó HUD2 nợ trên 281 tỷ đồng, HUD.VN nợ trên 154 tỷ đồng, HUD1 nợ trên 80,4 tỷ đồng. “Rủi ro pháp lý đối với HUD dẫn đến thất thoát là rất lớn”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Tồn kho lớn Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án đầu tư cơ bản hạ tầng kỹ thuật nhưng kinh doanh khó khăn, đất đã có hạ tầng không chuyển nhượng được cho các chủ đầu tư thứ cấp, không thu xếp đủ vốn để đầu tư tiếp theo tiến độ, hàng tồn kho lớn. Thời điểm 30/6/2013 HUD còn tồn trên 1,36 triệu m2 đất đã có hạ tầng, 867 căn hộ biệt thự, liền kề, chung cư và 68.721m2 nhà làm văn phòng cho thuê. “Nguyên nhân khách quan do thị trường kinh doanh bất động sản suy giảm, nguyên nhân chủ quan do quyết định phê duyệt dự án đầu tư không chặt chẽ, vượt quá năng lực tài chính dẫn đến nhiều dự án thực hiện dở dang”- Thanh tra Chính phủ lý giải. |
Thế Kha