1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly

Trung Kiên

(Dân trí) - Trước khi đưa tiền ra khỏi khu cách ly đều phải rửa bằng dung dịch sát khuẩn, phơi nắng một ngày rồi chiếu tia hồng ngoại. Khi những tờ tiền được xét nghiệm an toàn mới được đưa vào chi tiêu.

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 1

Tất cả vật dụng trong khu cách ly, kể cả tiền mặt, đều được sát khuẩn, xử lý kỹ lưỡng trước khi đưa ra ngoài. Ảnh H.C.

Có nhiều câu chuyện trong khu cách ly Covid-19 bạn chưa từng được nghe. Và hẳn là có những điều từ trước đến nay chưa từng xảy ra cho đến khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

Sát khuẩn cho tiền

Khu cách ly lớn nhất của tỉnh Bình Dương là khu cách ly Covid-19 Bàu Bàng đặt tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng. Trong năm 2020, nơi đây đã thực hiện 8 đợt cách ly y tế với hơn 1.856 công dân và chuyên gia nước ngoài về Việt Nam.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Trưởng khu cách ly Bàu Bàng cho biết, có nhiều kỷ niệm mà cuộc đời bác sĩ của ông sẽ không thể nào quên, trong đó có câu chuyện "rửa tiền" theo đúng nghĩa đen. Tiền trong khu cách ly trước khi đưa đi thanh toán hoặc chi tiêu cá nhân đều phải trải qua 3 lớp mà đội ngũ y tế nơi đây gọi vui là "rửa tiền".

Cụ thể, tiền mặt trước khi được đưa ra ngoài đều phải rửa bằng dung dịch vệ sinh sát khuẩn. Sau đó, tiền được mang đi phơi nắng một ngày và cuối cùng là chiếu tia hồng ngoại. Khi những tờ tiền được xét nghiệm an toàn mới được chuyển ra bên ngoài sử dụng.

"Khu cách ly Bàu Bàng liên tục đón các đoàn người từ nước ngoài về; trong đó có một số trường hợp dương tính với Covid-19. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ người dân trong khu cách ly thì tiền và vật dụng từ đây ra ngoài cũng được chú trọng, được đặc biệt quan tâm trong phòng chống dịch", bác sĩ Chín nói.

Nữ y tá ngất xỉu trong đêm giao thừa

Bác sĩ Chín cũng chia sẻ về câu chuyện nữ y tá ngất xỉu khi làm việc tại trung tâm cách ly. Theo bác sĩ Chín, hôm đó vào đúng thời khắc giao thừa qua năm mới 2021 (Tết dương lịch), Khu cách ly huyện Bàu Bàng tiếp nhận 251 công dân từ các nước châu Âu về.

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 2

Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm cách ly tranh thủ nghỉ ngơi bên hành lang.

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 3

Nữ y tá ngất xỉu khi phải làm việc liên tục để đón công dân về cách ly. 

Đây là đợt tiếp nhận cách ly vất vả và đầy căng thẳng khi có 5 trường hợp xét nghiệm lần 1 dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay lập tức, khu cách ly được chia làm 3 vòng, trong đó vòng thứ 3 luôn luôn ở trạng thái "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tại đây có 3 bác sĩ và 27 y tá, điều dưỡng tập trung phân loại các trường hợp F1, F2 để thuận tiện cho quá trình cách ly tiếp theo.

"30 cán bộ y tế ở bên trong cùng các công dân trong suốt quá trình cách ly. Làm việc từ sáng đến 23h đêm và nếu có tình huống nào bất ngờ thì phải thức trắng đêm cùng công dân. Trong đó có y tá Thu Trang đã bị ngất do làm việc liên tục, quá sức, trong điều kiện phải mặc đồ bảo hộ nóng bức", bác sĩ Chín thông tin.

Bác sĩ làm... vú nuôi!

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 4

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Trưởng khu cách ly Bàu Bàng - Ảnh Đ.T.

Trong khu cách ly, những "chiến sĩ" áo trắng đôi khi còn phải đóng đủ vai như "người chồng", "người vợ", cha mẹ của các em nhỏ, trẻ sơ sinh. 

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín chia sẻ, trong cuộc đời làm bác sĩ, đến nay ông chưa từng nghĩ có một lúc nào đó mình lại phải nhập vai giống như một người diễn viên đến vậy. Từ khi Trung tâm Y tế huyện được trưng dụng làm khu cách ly, nơi đây đã tiếp nhận hàng nghìn người. Trong số những con người đó có nhiều hoàn cảnh đặc biệt khiến bác sĩ vô tình trở thành "người đặc biệt" theo.

"Bản thân tôi đã phải nhập vai thành một cậu thanh niên để làm bạn, trò chuyện cùng một thanh niên mắc bệnh trầm cảm, trở thành "người chồng, người cha" bất đắc dĩ của hàng trăm thai phụ, trẻ sơ sinh và "người con" của những người già phải cách ly", bác sĩ Chín chia sẻ.

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 5

Y tá, điều dưỡng tập trung phân loại các trường hợp F1, F2 để thuận tiện cho quá trình cách ly tiếp theo.

Vẫn nhớ như in buổi chiều 5/9/2020, vị trưởng khu cách ly kể, chiều hôm ấy, đơn vị tiếp nhận 405 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong đó, có 53 trẻ em dưới 1 tuổi, cha mẹ là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về nước, được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về cho ông bà nội ngoại và những người thân của các bé tại quê nhà.

Đến nay, Bình Dương chưa tiếp nhận ca dương tính nào với Covid-19 trong cộng đồng; chỉ có 17 ca dương tính đều từ nước ngoài trở về và được đưa đi chữa trị, cách ly ngay.

"Xe chở 405 công dân về đến khu cách ly, chúng tôi mới biết thông tin về việc hàng chục bé sơ sinh dưới 1 tuổi trong số những công dân phải cách ly. Khi đó, chúng tôi đã thành lập ngay một "khoa nhi" riêng biệt cho 53 trẻ sơ sinh, ưu tiên hàng đầu cho trẻ em và đưa các bé đến phòng cách ly ngay lập tức.

Sau khi tiếp nhận các bé, chúng tôi buộc phải trở thành "vú nuôi" bất đắc dĩ của các cháu. Bác sĩ bỗng nhiên trở thành người cha, người mẹ của các bé và làm những công việc như một mẹ bỉm sữa", bác sĩ Chín kể lại.

Rửa tiền, phơi tiền, xét nghiệm cho tiền trong khu cách ly - 6

Bé sơ sinh mới được 11 ngày tuổi thời điểm được đưa vào khu cách ly - Ảnh TTYT BB.

Có vô vàn những kỉ niệm trong khu cách ly nhưng có một kỷ niệm mà bác sĩ Chín cho rằng đó là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. 

Ông chia sẻ: "Trong đợt tiếp nhận 353 công dân về từ Nhật Bản vào 0h ngày 15/10/2020, khi đó khu cách ly có tiếp nhận một bé sơ sinh mới được 11 ngày tuổi, nặng 2,6kg. Tôi và nhiều nhân viên y tế tại đây đã mất ăn, mất ngủ để theo cùng bé. Sau 14 ngày, bé đã hoàn thành thời gian cách ly cũng là lúc bé được 3,4kg. Rời khu cách ly bé nở nụ cười làm chúng tôi thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết".