1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

“Rửa” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng

(Dân trí) - Đề án định hướng cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch, thí điểm biện pháp thu gom nước thải vừa được UBND Tp Hà Nội thảo luận và cho ý kiến. Theo đó, nước sông Hồng sẽ được dẫn vào sông Tô Lịch nhằm giảm nồng độ ô nhiễm, làm sống lại dòng sông này.

Đề án này được coi như "tiểu đề án" đầu tiên thực hiện nghị quyết của HĐND TP tại Kỳ họp thứ 18 về xử lý 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn.
 
“Rửa” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng - 1
Ô nhiễm sông Tô Lịch là vấn đề "đau đầu" của Hà Nội nhiều năm qua.

Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, việc bổ sung nước cho sông Tô Lịch nhằm duy trì cân bằng nước cho dòng sông và trước mắt là pha loãng nước sông, giảm nồng độ ô nhiễm.

Cũng theo sở TN - MT, hiện Bộ NN & PTNT đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng mới cống Liên Mạc nhằm tăng lưu lượng nước từ sông Hồng chảy vào sông Nhuệ, trong đó, bao gồm cả kế hoạch bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng 5m3/s theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội.

Cùng với phương án dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, sở TN - MT cũng đã đề xuất thí điểm xây dựng 2 trạm xử lí nước thải tại khu vực cống Bưởi (công suất 25.000m3/ngày đêm) và cửa xả Cống Vị (12.000 - 15.000m3/ngày đêm) và dự kiến hai công trình này có thể được khởi công ngay trong 2010.

Cụ thể, nguồn nước từ sông Nhuệ sẽ vào đầu nguồn sông Tô Lịch theo hướng khai thông dòng chảy cũ. Dự kiến điểm lấy nước sông Nhuệ là ngay sau cống Liên Mạc và điểm bổ sung nước cho sông Tô Lịch là qua cống Nghĩa Đô.

Theo Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, để có thể đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, phía đầu sông Nhuệ phải thiết kế các hồ lắng để để giảm lượng phù sa. Thêm nữa, thực tế hiện nay các kênh mương đã bị ngắt quãng hoặc không còn trong qui hoạch nên cần phải có nghiên cứu điều chỉnh qui hoạch để dùy trì hệ thống kênh mương.

Cùng đó, phải tính toán kĩ lưu lượng nước bổ sung phù hợp với công suất tiếp nhận của khu vực Yên Sở và điều tiết của trạm bơm Yên Sở.

Việc nối thông sông Hồng với sông Tô Lịch bằng việc khai thông dòng chảy cũ hoặc đấu nối thông qua sông Nhuệ nhằm cung cấp đủ nước cho Tô Lịch vào mùa khô, tạo thành dòng chảy như hơn 100 năm trước đã được đề cập từ nhiều năm. Năm 2007, khi ông Nguyễn Quốc Triệu làm Chủ tịch UBND TP, một đề án theo hướng này đã được trình lên và đã được thống nhất, nhưng sau đó chưa được triển khai trong thực tế.
 
Nước sông Tô Lịch vào mùa khô, hàm lượng oxi hòa tan (DO) thấp hơn 2,31 lần so với tiêu chuẩn, nhu cầu oxi sinh học (BOD5) vượt tiêu chuẩn cho phép 7,13 lần, nhu cầu oxi hóa học (COD) vượt 9,86 lần, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,11 lần, hàm lượng nitơrat (NO3 ) vượt  1,64 lần. Trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch phải phải tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải, trong đó có 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lí. Nước sông Tô Lịch màu đen ngòm và bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân sống hai bên ven bờ.
 

Nghị quyết của HDND Tp Hà Nội về Đề án “ Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 2010” đã nhấn mạnh, từ nay đến 2010 tập trung ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Xây dựng dự án xử lý thí điểm 1 đoạn sông (dài khoảng 1km tại khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch) theo nguyên tắc tách và thu gom nước thải hai bên sông và xây dựng trạm xử lý quy mô nhỏ, nước sau xử lý được bổ cập lại. Trên cơ sở thí điểm, rút kinh nghiệm việc xử lý nước thải, Thành phố sẽ triển khai ở các đoạn sông tiếp theo.

 
Kim Tân