TPHCM:
Rủ nhau uống thuốc “gây phê”, 20 học sinh nhập viện
(Dân trí) - Được bạn rỉ tai về công dụng “phê phê, tê tê” của thuốc trị ho, một nhóm học sinh đã truyền tay nhau uống hết 3 vỉ thuốc Recotus. Khoảng một tiếng sau, 20 học sinh đồng loạt bị nhồi tim, đau đầu, chóng mặt, nôn ói…
Vụ việc trên xảy ra vào ngày 4/10 tại trường THCS Bình An đóng trên địa bàn quận 2, TPHCM. Trước đó nữ sinh N.H.M.T. học lớp 8/4 được những “anh chị” đi trước mách về tác dụng “tuyệt vời” của thuốc trị ho Recotus nên đã mua dùng thử. Thấy “sảng khoái” sau khi dùng, ngày 4/10 trong giờ ra chơi, nữ sinh này đã ra hiệu thuốc tây gần trường học hỏi mua.
Tại một nhà thuốc tây nằm ở góc ngã tư Trần Não và Lương Định Của (quận 2), học sinh này được bán cùng lúc 3 vỉ thuốc Recotus theo nhu cầu với giá 8.000 đồng mỗi vỉ 10 viên nang.
Có thuốc trong tay, T. rủ các bạn cùng lớp uống để thưởng thức cảm giác lạ. Sự việc học sinh lớp 8/4 có thuốc loại thuốc mang lại cảm giác đặc biệt sau khi dùng nhanh chóng đến tai các học sinh tại lớp 8/2. Những viên thuốc còn lại nhanh chóng được T. chia sẻ với các bạn cùng trường.
Khoảng một tiếng sau khi dùng hết 3 vỉ thuốc nhiều học sinh có biểu hiện nhồi tim, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, xây xẩm, run chân tay, toàn thân rũ rượi. Có ít nhất 20 học sinh xuất hiện tình trạng trên được chuyển đến bệnh viện quận 2 cấp cứu.
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết: “Recotus là thuốc trị ho phải được chỉ định và kê toa của bác sĩ mới được dùng. Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, lơ mơ, gây ảo áp và suy hô hấp nếu dùng quá liều. Chiều tối cùng ngày, sau khi cấp cứu tích cực các học sinh đã ổn định sức khỏe".
Đây không phải lần đầu học sinh tại TPHCM rủ nhau sử dụng thuốc Recotus. Những vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra tại trường THCS Quang Trung, trường THCS Khánh Hội A (đều đóng tại quận 4).
Các chuyên gia cảnh báo trong thuốc Recotus có chứa hai thành phần dextromethorphan (trị ho) và diprophyllin (giãn phế quản). Khi sử dụng hai thành phần này kết hợp lại sẽ tạo nên trạng thái lâng lâng cho người sử dụng. Trạng thái lâng lâng, đê mê của loại thuốc này nếu đã “ngấm vào máu” có thể trở thành bước đệm nguy hiểm khiến trẻ tìm đến các chất gây nghiện ở cấp độ cao hơn như heroin, ma túy. Do đó việc sử dụng thuốc cũng như bán thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Vân Sơn