Rủ nhau “giết” rừng, lấn đất
(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều diện tích rừng thông ba lá trên 20 năm tuổi đã bị nhiều hộ dân ngang nhiên vào đốt, phá khiến nhiều hecta rừng “mất tích” trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương và sự bất lực của chủ rừng.
Rừng thông xác xơ...
Tiểu khu 296 và 297 có hơn 270 ha thông được trồng từ năm 1985 – 1986. Hơn 20 năm qua, rừng thông ở đây không những bảo vệ được nguồn nước ngầm để phục vụ nước tưới nông nghiệp mà còn góp phần chắn gió, che nắng làm mát cho cả thị trấn Đăk Tô...
Mang lại lợi ích là thế nhưng thời gian gần đây nhiều diện tích rừng thông đã bị hàng chục hộ dân ở nơi đây “hành hạ” một cách không thương tiếc, bị chặt, đẽo ứa nhựa, và cháy xém đen…
Cách đường Hồ Chí Minh chỉ vài trăm mét về phía đông của thị trấn Đăk Tô, chúng tôi men theo con đường đất hướng về khối phố 6, nơi có nhiều diện tích rừng thông bị tàn sát vô tội vạ. Đứng nhìn từ xa, trước mắt chúng tôi là rừng thông xanh tắp, xen kẽ là những vệt vàng của những cây thông bị ken gốc đang chờ đốn ngã.
Đi sâu vào rừng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, xót xa khi chứng kiến hàng trăm cây thông có đường kính từ 25 - 35 cm bị ngã đổ nằm la liệt, ngổn ngang như một bãi chiến trường. Nhiều cây chưa bị chặt hạ nhưng xung quanh gốc cây bị chặt đẽo ứa nhựa chết khô. Người dẫn đường cho chúng tôi biết: Khi cây đã chết khô, những kẻ phá rừng chất củi quanh gốc cây rồi châm lửa đốt để cây đổ ngã. Vì vậy nhiều cây lớn đang tràn trề sức sống ở bênh cạnh cũng bị héo vàng do ảnh hưởng của những ngọn lửa.
Càng tiến vào sâu, cảnh tượng càng tan hoang hơn khi số lượng cây đứng nhưng đã chết khô càng nhiều hơn, nhiều diện tích chỉ còn trơ lại những gốc thông to bằng cả người ôm, thay vào đó là những rẫy mì xanh mướt đang dần dần chiếm chỗ.
Chủ rừng nóng ruột, chính quyền thờ ơ
Nguyên nhân là do hàng chục hộ dân ở khối phố 6 đã cố tình, ngang nhiên vào rừng hoặc những vùng ven các lô rừng để trồng mì, sau đó vào ban đêm hoặc gần sáng, họ lén lút ken gốc để cho cây chết dần và mở rộng đất.
Ngoài lực lượng cán bộ bảo vệ của đơn vị, công ty còn thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn và ký hợp đồng bảo vệ với thôn trưởng, tổ trưởng dân phố để cùng nhau quản lý bảo vệ, tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Thậm chí những kẻ phá rừng hung hăng đã từng hành hung luôn cả thôn trưởng và cán bộ kiểm lâm của công ty.
Thời gian qua, công ty phối hợp với kiểm lâm địa bàn thị trấn Đăk Tô kiểm tra phát hiện, bắt quả tang nhiều đối tượng đã và đang phá rừng để lấn đất và khai thác gỗ trái phép. Đơn vị đã lập biên bản và nhiều lần gửi hồ sơ vi phạm đến UBND thị trấn Đăk Tô, Hạt Kiểm lâm Đăk Tô để đề nghị điều tra, xử lý nhưng không hiểu sao mọi việc vẫn bỏ ngỏ, những kẻ vi phạm vẫn nhởn nhơ tiếp tục tàn phá rừng.
Những kẻ phá rừng biết rằng công ty không có chức năng xử phạt nên không chịu ký vào biên bản vi phạm, trong khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lại không thật sự vào cuộc. Đặc biệt kể từ khi có văn bản của UBND tỉnh Kon Tum (ngày 9/10/2008) về việc cấp giấy chứng nhận QSD đất nằm ngoài lâm phần của công ty, trong khi đang chờ Sở TN&MT kiểm tra, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất thì tình trạng phá rừng lấn đất trái phép của các hộ dân nơi đây tăng mạnh và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguy hiểm hơn, hiện nay một số hộ dân khác đang theo dõi động thái xử lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để chờ cơ hội “giết” rừng. Được biết, đã nhiều lần chính quyền địa phương mời các hộ dân đến UBND thị trấn Đăk Tô để làm việc nhưng các hộ dân này ngoan cố không chịu đến, cuối cùng thì đâu lại vào đấy, mọi việc dường như đã bị “chìm xuồng”. Những kẻ phá rừng ngày càng hung hăng và coi thường chủ rừng.
Ngay lúc này, để giữ rừng, chủ rừng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để kịp thời hỗ trợ cho nhau. Và trên hết, rất cần những biện pháp mạnh tay của các cơ quan chức năng.
Diễm Hằng