Rủ nhau đi bán... thận
(Dân trí) - Thời gian gần đây, sự “đổi đời” bí ẩn thường xuyên xuất hiện tại các tỉnh ĐBSCL với một số người đi khỏi địa phương rồi trở về. Chỉ đến khi công an vào cuộc, sự thật kinh hoàng mới được hé lộ: những người này đã được đưa sang Trung Quốc để bán thận.
Không những thế, đã có nhiều đường dây môi giới bán thận hình thành tại các vùng nghèo của ĐBSCL, nơi người dân sẵn sàng “hy sinh” một phần cơ thể của mình để nhận vài chục triệu đồng.
Làm giàu bằng… thận người
Những năm gần đây, tại vùng quê nghèo xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nhiều gia đình không đầu tư làm ăn mà vẫn giàu lên trông thấy. Trong số đó có gia đình của Phan Thị Hồng, Nguyễn Văn Tám. Đặc biệt, Tám thường xuyên vắng mặt tại địa phương, khi về thì tiền bạc rủng rỉnh. Sau hàng năm trời điều tra, trinh sát, Công an tỉnh Sóc Trăng đã xác định được Nguyễn Văn Tám cầm đầu một đường dây đưa dân nghèo sang Trung Quốc để bán thận.
Nếu mất đi một quả thận, sức khoẻ con người sẽ bị ảnh hưởng do quả thận còn lại phải làm việc gấp đôi. Người hiến thận dễ bị suy chức năng thận.
Các triệu chứng của bệnh suy thận: mệt mỏi, giảm năng lực, mất ngủ, sau đó là chán ăn, buồn nôn, nôn ói... Để lâu sẽ dẫn đến các triệu chứng tim mạch như viêm màng ngoài tim, suy tim, sung huyết và cao huyết áp.
Đồng thời, người bệnh sẽ bị thiếu máu và dễ đông máu, thần kinh mỏi mệt, mất tập trung, mất ngủ, lú lẫn bị hôn mê.
Bệnh còn dẫn đến những thay đổi về nội tiết như giảm testosterone, ít tinh trùng, vô sinh, rối loạn cương và đồng thời gây loãng xương, gãy xương bệnh lý. (KHPT) |
Tám cũng chính là người đã từng bán đi một quả thận của mình với giá 70 triệu đồng. Sau này, đến lượt chị Phan Thị Hồng (vợ của Tám) cũng theo chồng đi bán một quả thận với giá tương tự. Nhờ những lần bán thận như vậy, Tám đã xây dựng được cho mình một hệ thống khách hàng cần mua thận và bắt đầu rủ rê những người dân nghèo trong xã bán thận để đổi đời.
Tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Cơ quan công an đã xác định được 3 người theo Tám để bán thận, ngoài chị Phan Thị Hồng còn có anh Lâm Dương Nhi và anh Ngô Văn Khánh. Theo những người này, giá một quả thận được định sẵn là 70 triệu đồng. Những người bán chỉ cần đồng ý là được, không hề được tư vấn về sức khỏe của mình.
Bản thân anh Tám cũng không có nhận thức đầy đủ, miễn có lời là làm. Chị Phan Thị Hồng cho biết: “Do gia đình nghèo, có đông anh em, mẹ bị bệnh nặng, túng quẫn quá mới phải đi bán thận. Họ nói là sẽ không ảnh hưởng gì sức khỏe, chị không biết gì cả, thấy chồng chị không bị gì nên chị cũng liều theo”.
Anh Ngô Văn Khánh, ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình cũng đi theo Nguyễn Văn Tám sang Trung Quốc với giấc mơ đổi đời nhưng bị từ chối mua thận vì có tiền sử bệnh tim mạch. Trước đó, tại Bạc Liêu, một người tên Hồng đã tự nguyện bán thận của mình tại TPHCM nhưng được gia đình phát hiện đem về.
Tại Hậu Giang, Cà Mau nhiều người dân vì nghèo khổ đang tìm cách bán một phần cơ thể của mình để kiếm miếng cơm manh áo. Có rất nhiều đường dây môi giới bán phủ tạng người đang âm ỉ hoạt động tại các vùng quê nghèo, dân ít hiểu biết. Sau khi đường dây của Nguyễn Văn Tám bị phát hiện, các tay “cò thận” khác đang tạm thời ngưng hoạt động để chờ cơ hội.
Hành trình bán thận
Anh Lâm Dương Nhi, tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, Sóc Trăng, là một người vừa bán đi một quả thận theo đường dây của Nguyễn Văn Tám.
Trong căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát, anh kể: “ Vào ngày 20/7/2007, Nguyễn Văn Tám đến nhà tôi rủ sang Trung Quốc bán thận với giá một quả 70 triệu đồng. Nhà nghèo, lại đông con, bữa no bữa đói, tôi dằn vặt mãi, một tháng sau thì đồng ý”. Anh Nhi được Tám đưa đi đi TPHCM khám sức khỏe tổng quát để “kiểm tra hàng”. Sau khi thấy hàng đạt chất lượng, Tám đưa anh Nhi bay ra đi Hà Nội rồi từ Hà Nội đi Lạng Sơn qua cửu khẩu Hữu Nghị sang nước bạn Trung Quốc. Tại đây anh được đưa đến Bệnh viện Không Quân (anh không nhớ tỉnh nào của Trung Quốc), nằm chờ khám sức khỏe.
Tại Bệnh viện này, có rất nhiều người Việt Nam từ khắp các tỉnh trong nước lũ lượt chờ được khám sức khỏe để bán thận. “Khách mua thận” cũng đa phần là người Việt sang. Sau khi xét nghiệm “đủ chuyện trên đời”, anh được một người Trung Quốc nói Tiếng Việt rất sõi quen với Tám làm giấy cam kết bằng hai thứ tiếng có nội dung “ Hiến thận cho cậu ruột” dù trước đó anh chưa từng quen biết người cậu này.
Sau này anh Nhi biết được người “cậu” đó là Nguyễn Văn Phúc, ngụ tại Vũng Tàu. Khủng khiếp hơn, ông Phúc đã phải mua quả thận với giá trên 500 triệu đồng, nhưng anh chỉ nhận được 70 triệu đồng. Sau khi phẫu thuật hơn 20 ngày, anh Nhi được đưa về Việt Nam. Đến TPHCM, Nguyễn Văn Tám đưa cho anh Nhi 70 triệu đồng với bản cam kết : không khiếu nại, tố cáo bất cứ ai về tình hình sức khỏe của mình.
Anh vạch cho tôi xem vết mổ hãy còn chưa cũ và bảo: “Anh chưa thấy gì khác lạ, nhưng lo lắm em ạ, hiện tại anh chưa dám làm gì nặng, đợi 6 tháng sau mới dám lao động”. Số tiền 70 triệu đồng, anh Nhi đã mua một chiếc tàu, máy loại nhỏ hết 42 triệu đồng để đánh bắt ven bờ, phần còn lại trang trải trong gia đình. Tuy nhiên, hiện tại anh vẫn chưa dám ra biển vì lo sợ sức khỏe sau này. Thấy tôi ái ngại, anh cười gằn: “Cũng sợ lắm chú ạ, nhưng nghèo quá nên giấu vợ con đi bán đại để lấy cái làm ăn. Thận thì đã bán rồi, giờ chỉ có chờ trời thương thôi”. Anh cho biết, có rất nhiều người nghèo sẵn sàng bán thận như anh.
Tại Sóc Trăng và nhiều tỉnh lân cận, giới “cò thận” đã tìm được một thị trường tiềm năng để khai thác nhờ sự nghèo khó , thiếu hiểu biết của người dân. Những cuộc buôn bán kinh hoàng chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Lệ Thủy