1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rộng “đất” cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam?

(Dân trí) - Một doanh nghiệp xã hội khi đến đặt vấn đề hợp tác với địa phương, điều quan tâm của chính quyền là “được cho bao nhiêu tiền”, “dự án có vốn lớn không” mà không đặt câu hỏi “dự án hỗ trợ được bao nhiêu hộ dân, tạo được bao nhiêu việc làm”…

TS.Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) khái quát về thực trạng nhận thức, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong hội thảo tổ chức ngày 16/5 về vấn đế chính sách đối với khu vực xã hội dân sự đang phát triển rất sôi động, hiệu quả này.

Trình bày báo cáo nghiên cứu do CIEM thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), do Hội đồng Anh tài trợ, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, nhận thức về doanh nghiệp xã hội hiện còn rất hạn chế.
 
Rộng “đất” cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam?
TS. Nguyễn Đình Cung trình bày báo cáo tại hội thảo.

Việc nhầm lẫn các doanh nghiệp xã hội với các tổ chức từ thiện, nhân đạo hoặc các chương trình xã hội truyền thống dẫn tới tâm lý phụ thuộc hoặc sức ỳ từ cộng đồng. Ngược lại, doanh nghiệp xã hội cũng có thể bị hiểu sai, hoài nghi về mục tiêu xã hội khi vận hành dưới hình thức doanh nghiệp với các hoạt động tạo doanh thu, lợi nhuận.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp xã hội, họ không dám đăng ký dưới hình thức công ty dù rất muốn vì “chính quyền địa phương không biết về doanh nghiệp xã hội, cứ thấy doanh nghiệp là hạch sách”.

Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xã hội cần được đánh giá trên cả 2 khía cạnh kinh tế và xã hội. Do không hiểu thấu đáo đặc điểm này nên một doanh nghiệp xã hội của nước ngoài khi đến đặt vấn đề hợp tác với địa phương để thực hiện dự án, điều quan tâm trước tiên của chính quyền đặt ra với doanh nghiệp đó là “Các anh cho bao nhiêu tiền?”, “Dự án có vốn đầu tư lớn không?” mà không phải các câu hỏi về hiệu quả xã hội như “Dự án hỗ trợ được bao nhiêu hộ dân, tạo được bao nhiêu việc làm?”.

Tình trạng thiếu hụt nhận thức còn diễn ra ngay trong nội bộ khối các tổ chức thiện nguyện. Ông Cung kể câu chuyện, khi một doanh nghiệp xã hội đến đặt vấn đề hợp tác với các Trung tâm Bảo trợ trẻ em để tổ chức các chương trình, sân chơi cho trẻ, phản ứng của các Trung tâm thường là rụt rè, e ngại do sợ mang tiếng thương mại hóa. Ngay cả khi được đề nghị ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn liên quan đến những vấn đề trao học bổng, sở hữu trí tuệ có lợi cho các Trung tâm và em nhỏ ở đây cũng không ai dám đứng ra ký vì… sợ trách nhiệm.
Rộng “đất” cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam?

Trong khi đó, thực tế các vấn đề xã hội còn rất lớn, ngổn ngang khi tỷ lệ người nghèo (theo chuẩn nghèo của Ngân hàng thế giới: 1,25USD/ngày) của Việt Nam lên tới 21%. Nếu tính “nhóm đáy” - những người có thu nhập dưới 2USD/ngày thì tỷ lệ dân số nằm trong nhóm này còn cao hơn.

“Quỹ hoạt động từ thiện, nhân đạo của báo Dân trí là một mô hình rất hiệu quả. Chính việc công khai minh bạch các nguồn tài trợ, từ khoản nhỏ nhất trên báo, không trích phí quản lý đã tạo niềm tin đối với các nhà hảo tâm nên đến nay, mỗi tuần quỹ “hút” được tới 400-500 triệu đồng cho các hoạt động nhân ái. Điều này chứng tỏ các nguồn lực cho hoạt động thiện nguyện trong xã hội còn rất lớn” – TS.Nguyễn Đình Cung.

Việt Nam hiện tại cũng có khoảng 6,7 triệu người khuyết tậ, chiếm gần 7,8% dân số. Trong đó, 69% số người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động mà chỉ 30% số người này có việc làm và thu nhập ổn định. Mỗi năm cũng có hàng chục nghìn phạm nhân được ân xá, chấp hành xong hình phạt tù cần hỗ trợ việc làm, hòa nhập cộng đồng nhưng rất khó khăn. Tỷ lệ tái phạm vì thế cũng lên tới 27% (trong khi tỷ lệ trung bình ở khu vực chỉ 15-20%).

Hiện cả nước có khoảng 4,28 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiểm 18,2% tổng số trẻ em, trong đó có 1,5 triệu trẻ khuyết tật, 153.000 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, 287.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, 26.000 trẻ trong độ tuổi 8-15 phải lao động nặng nhọc, độc hại, bị bóc lột….

Chỉ dẫn ra một số vấn đề xã hội nổi bật nhưng theo TS Cung, nếu tập hợp lại sẽ thấy số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp đã lên tới 24 triệu người, chiếm 28% dân số. “Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề xã hội khác đang nổi lên với diện tác động rộng lớn mà có lẽ không ai trong số chúng ta có thể đứng ngoài như: bạo lực học đường, trẻ phạm tội, nghiện game, tự kỷ, tình trạng y tế, giáo dục quá tải, sức khỏe sinh sản, stress của cư dân đô thị, nhà ở xã hội, ô nhiễm, biến đổi khí hậu…” - Phó Viện trưởng CIEM khái quát.
 
Rộng “đất” cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam?
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ.

Đó là mảnh đất, là “thị trường” cho các doanh nghiệp xã hội. Rõ ràng chỉ dựa vào khu vực nhà nước và tư nhân sẽ không đủ để lấp đầy các nhu cầu và giải quyết những vấn đề của xã hội. Đó là chưa kể tình trạng khó khăn kinh tế, yêu cầu thắt chặt tài khóa, trả nợ, tái cơ cấu hiện nay của nhà nước trong khi xu hướng vốn tài trợ cho Việt Nam ngày càng giảm dần. Trong bối cảnh này, vai trò của các tổ chức xã hội, phát triển cộng đồng nói chung, đặc biệt mô hình doanh nghiệp xã hội rất phù hợp để bù đắp khoảng trống đó.

TS Nguyễn Đình Cung quả quyết, đây chính là “miếng ghép” còn thiếu trong một bức tranh đã có chỗ đứng của các khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Ông Cung kêu gọi, đã đến lúc nhà nước cần một sự công nhận chính thức dành cho mô hình doanh nghiệp xã hội và vai trò của các doanh nhân xã hội. Các cơ chế chính sách cần được xây dựng để tạo lập khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của các doanh nghiệp xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến xã hội được dễ dàng triển khai hơn trong thực tế, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tinh thần doanh nhân xã hội ở Việt Nam.

“Ở giai đoạn ban đầu này, chúng tôi cho rằng ban hành một văn bản pháp quy ở cấp Nghị định của Chính phủ là phù hợp” - TS Cung đề xuất.
 

Hiện Việt Nam có gần 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Trong 20 năm gần đây, doanh nghiệp xã hội ngày càng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều Chính phủ. Hiện nước Anh có 55.000 doanh nghiệp xã hội, doanh thu 27 tỷ Bảng, sử dụng 475.000 lao động và đóng góp 8,4 tỷ Bảng/năm cho GDP. Mô hình tài chính vi mô Grameen Bank của Bangladesh là một doanh nghiệp xã hội điển hình. Người sáng lập - ông Mohamad Yunus đã được trao giải thưởng Nobel năm 2006. Nhiều quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… đã chính twhcs công nhận doanh nghiệp xã hội, có khung khổ pháp lý hỗ trợ, khuyến khích phát triển.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm