1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 19/11 trời rét đậm, đường hơi lầy vì cơn mưa bất chợt đêm hôm trước nhưng không làm vơi đi cái náo nức, rộn ràng của lòng người. Mọi nẻo đường đến Đồng Mô (Ngải Sơn - Hà Tây) người trảy hội đi chật như nêm...

Sáng qua, khách đến xem cũng đông như đêm 18/11 – đêm khai mạc  với chương trình nghệ thuật hoành tráng, đậm bản sắc dân tộc thăng hoa cùng không khí tưng bừng của Ngày hội. Tới dự lễ khai mạc có Tổng bí thư nông Đức Mạnh, Trưởng Ban tư tưởng Văn hoá trung ương Nguyễn Khoa Điềm, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Phạm Quang Nghị và nhiều quan chức khác…

 

Thời tiết về trưa đỡ lạnh hơn, từng đoàn, từng đoàn xe ô tô, xe máy tiến về làng văn hoá – du lịch các dân tộc Việt Nam. Gương mặt ai cũng náo nức, mong đợi.

 

Các gian hàng và mọi hoạt động giao lưu, vui chơi của ngày hội các dân tộc Việt Nam được tổ chức giữa một thung đất rộng, từ cổng cao nhìn xuống chỉ thấy nổi bật những lá cờ phấp phới được những quả kinh khí cầu nâng lên cao trên nền trời núi Tản thiêng liêng và hùng vĩ. Theo ban tổ chức thì mỗi lá cờ rộng đến 1800m2. Gần 200 gian hàng trưng bày đồ thủ công, mỹ nghệ với nhiều sản phẩm độc đáo như: thư pháp Hán  - Nôm, tranh ảnh nghệ thuật và cổ vật, nghệ thuật ẩm thực và đặc sản các vùng miền…

 

Du khách hiếu kỳ tha hồ ngắm nghía, mua sắm những thứ mình thích. Người xem đứng chật ních trước gian hàng giới thiệu văn hoá nghệ thuật Bắc Ninh, nghe các liền anh liền chị hát quan họ. Nhưng phải nói rằng các gian hàng ẩm thực, bán các đặc sản vùng miền hấp dẫn sự quan tâm của du khách nhất. Bún ốc Phù Đổng nghi ngút khói, bánh nếp, bánh đúc và cả những mứt trái cây, tôm chiên, xúc xích đủ loại … Các bà các chị tha hồ thưởng thức hương vị những món ngon. Không thoát khỏi cám dỗ, tôi cũng sà vào hàng Bún ốc Phù Đổng làm một tô.

 

Không chỉ các gian hàng nhộn nhịp, các quầy bán rong cũng xúm xít người mua, xem. Chỗ này các em nhỏ tròn xoe mắt nhìn người thợ khéo tay nặn tò he.  Chỗ kia đám thanh niên mải mê với những bàn cờ vừa đơn giản và thú vị. Thú vị vì thắng tất nhiên sẽ được “một khoản” theo luật chơi. Các cụ bà đi từng nhóm, có mấy cụ tóc bạc thưa, miệng móm mém cũng theo con cháu đi xem  hội. Mấy cụ bà  nhiệt tình đến nỗi ngồi bệt cả ra đất để đợi xem diễn chèo. Nhưng tiết mục chèo phải đến chiều, sau Lễ tổ làng nghề Việt Nam và cầu quốc thái dân an (8 giờ 30). Giờ là Lễ dâng hương đầu rồng của các đệ tử. Màn đánh trống, dâng hương  của các cụ bô lão đầy trang nghiêm và thành kính.

 

Khoảng 11 giờ trưa, trên sân khấu lớn trình diễn kỷ lục Ghi nét Việt Nam và võ thuật đỉnh cao của môn phái Lâm sơn động. Bà con đứng xem thót tim, nghẹt thở trước những tiết mục khinh công đầy mạo hiểm. Võ sư Sơn Hải  - trưởng môn phái trổ tài gánh hai xô nước bằng…mắt, đập thanh gang vào đầu, thanh gang gãy làm mấy mảnh. Ai cũng kinh ngạc, nể phục môn võ dân tộc.

 

Trong khi khu trưng bày các gian hàng, trình diễn các tiết mục văn hoá nghệ thuật đã nghỉ trưa chuẩn bị chào đón tiết mục giao lưu đặc sắc văn hoá các vùng miền thì khu “Hội trại thanh niên với văn hoá cội nguồn” vẫn ồn ã, náo nhiệt. Trại của trường Đại học văn hoá “nổi sóng” với nhưng điệu nhảy “vui lên đi” trẻ trung, sôi động.

 

Đêm hội cũng đồng thời tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân tiêu biểu của văn hóa dân gian.

 

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam - 1

Các liền chị Bắc Ninh

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam - 2

Màn biểu diễn võ thuật đỉnh cao của môn phái Lâm sơn động.

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam - 3

Đầu rồng gốm thời Lý nặng 1 tấn, cao 2,3m, dài 2,2m, rộng 0,85m

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam - 4

Các em nhỏ xúm quanh người nặn Tò he

Rộn ràng ngày hội các dân tộc Việt Nam - 5

Nam thanh niên chúi mũi vào gỡ thế cờ.

 
Nguyễn Hằng