Rộn ràng mùa gùi lương thực đi đổi quần áo cũ của người Bahnar
(Dân trí) - Những ngày này, khắp Phố núi Gia Lai sôi động với những người Bahnar gùi khoai, bắp, quả bơ, gạo… đến gõ cửa từng nhà đổi lấy những bộ quần áo, giày dép cũ mang về sử dụng.
Những chuyến công nông chở người lên thành phố đổi đồ cũ
Trải qua nhiều thế kỉ, tập tục trao đổi hàng hóa đơn thuần của con người đã được phát triển lên những hình thức mới văn minh hơn, tiện dụng hơn. Nhưng với những người Bahnar ở xã Gờ La, xã A Dớk…, huyện Đắk Đoa, Gia Lai thì nó vẫn “sơ khai” như thuở loài người mới hình thành hành vi trao đổi hàng hóa.
Chúng tôi tìm đến làng Bôi, xã Gờ La khi mặt trời sắp “trốn” vào sau ngọn núi. Lúc này người dân trong làng vẫn nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không còn những người đàn ông với cặp đùi cơ bắp, đôi vai khỏe mạnh chỉ với 1 cái khố, cũng không còn những thiếu nữ Bahnar xúng xính bộ váy thổ cẩm truyền thống. Thay vào đó là hình ảnh họ với đủ thứ quần áo tân thời, từ áo hai dây, váy, áo lưới đến quần hộp,… Phong phú và hiện đại như đang đứng giữa một thị trấn của người Kinh.
Anh Y- List, Bí thư chi đoàn thôn Bôi cho biết, vào mỗi mùa thu hoạch nông sản (khoảng từ tháng 6 đến tháng 9), người trong làng lại gùi mì, bắp, gạo, quả bơ, ôm gà… đi khắp TP Pleiku hay những thị trấn lớn để đổi lấy quần áo, giày dép cũ cho cả gia đình đủ mặc trong 1 năm.
Có “thâm niên” đi đổi đồ hơn 10 năm nay, chị H’Ben (35 tuổi) cho biết từ khi chị còn nhỏ đã thấy có tập tục này. Trước đây, lúc hết quần áo mặc, bố chị thường lên Pleiku để xin người Kinh quần áo về cho gia đình. Đến đời chị tập tục này lại phát triển hơn, hàng năm mỗi vụ thu hoạch nông sản chị lại giành thời gian gùi nông sản đi khắp thành phố đổi quần áo về cho vợ chồng và 3 đứa con nhỏ.
Họ tính, mang một gùi nông sản đi bán thì chẳng được bao nhiêu tiền, giỏi lắm thì mua được 1 bộ quần áo mới, hoặc một vài bộ đồ cũ bán trên phố. Nhưng nếu mang đi đổi trực tiếp từ những gia đình người Kinh thì họ có thể được cả đống quần áo, mũ, dép đủ kiểu cách từ áo mùa nóng đến mùa lạnh, và nhất là đủ cho cả gia đình mặc mỗi năm: “Bán 10 cái bắp đâu có được mấy tiền đâu, 1 bì gạo (khoảng 1 kg- PV), cũng chỉ được hơn 10 nghìn thì làm sao mà mua được đồ mới cho cả gia đình 6 người. Nhưng mang nó đi đổi thì được cả gùi quần áo cho cả nhà mặc”, chị H’La tính.
Không chỉ biết chia sẻ với cộng đồng, lòng tự trọng của người Bahnar cũng rất cao: “Người ta có lòng tốt thì một trái bí của mình người ta đưa cho cả 6 - 7 bộ quần áo. Có người có lòng tốt họ cho cả bì to mà không lấy gì hết, còn nấu cơm cho ăn. Có người chỉ lấy một ít sắn hoặc bắp, đu đủ, cái gì mà con cháu họ thích ăn thôi. Nhiều người họ thấy mình đi qua rồi còn chạy theo rồi mang ra cho cả bì mà không lấy gì hết. Thường thì họ cho không rất nhiều, nhưng mình đi không thì xấu hổ lắm”- anh Y - List nói.
Anh Y- List cho biết, vào những tháng 12, tháng 1, 2, làng có nhiều đám cưới, lúc này cũng không có gì để đi đổi nên ai có điều kiện mới đi “xăm đồ” (mua đồ) đẹp để đi chơi.
Thiên Thư