1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Rốn lũ Hương Khê đi đâu cũng thấy lo

(Dân trí) - Một năm trước cả huyện miền núi Hương Khê điêu tàn sau những trận lũ lịch sử. Gần một năm sau nỗi đau ấy, đi dọc rốn lũ khi lũ chưa đổ về lại nhìn thấy trăm mối lo hiện hữu bởi những công trình phòng chống bão lụt vẫn còn ngổn ngang, dang dở...

Mong manh những công trình nơi rốn lũ

Những công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phòng chống bão lũ của rốn lũ Hương Khê vốn đã xuống cấp lại càng xuống cấp hơn sau cơn lũ lịch sử xảy ra trong mùa mưa bão năm 2007. Hiện danh sách những công trình cần được sữa chữa khẩn cấp để chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão mới ở rốn lũ này nối dài cả... trang giấy.

Gần 50 trong tổng sô 112 hồ đập trên địa bàn cần được sữa chữa khẩn cấp, nhưng ngay cả khi mùa mưa bão đã đến thì tới cuối tháng 7 chính chính quyền nơi rốn lũ mới khởi động ở dạng... cần sửa chữa.

Nghĩa là trong suốt nhiều tháng, những công trình hư hỏng nhưng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, tưới tiêu và phòng chống bão lũ của người dân nơi đây vẫn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt!. Một nông dân ở rốn lũ Hương Khê từng bị cuốn trôi cả gia sản trong cơn lũ lịch sử năm trước đã không ngại tốn thời gian dẫn chúng tôi đi khắp xã trên địa bàn.

Đi đâu, từ đập Khe Vôi (xã Hương Thủy), đập Rú Mạo (xã Phúc Đồng), đập Khe Sắn (xã Lộc Yên)... chúng tôi đều chứng kiến những thực tráng đáng ngại: Chỉ một cơn lũ nhỏ cũng đủ sức để cuốn phăng những bờ đê yếu ớt, xuống cấp về với sông, với ruộng đồng.

Những công trình thủy lợi chưa được sữa chữa nâng cấp đã ngại, những công trình thuộc diện “đặc chủng” xây dựng cơ bản đã được khởi công có số vốn lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng còn đáng ngại hơn. Rất dễ nhận thấy nhiều tỷ đồng đầu tư vào công trình đang có nguy cơ trôi về sông biển nếu một khi lũ lớn đổ về.

Công trình thủy lợi đập Khe Táy (xã Lộc Yên) là một ví dụ điển hình. Được khởi công xây dựng vào tháng 3/2006 với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công, nhưng đến thời điểm này, đập chính của công trình - một trong 2 hạng mục quan trọng mới chỉ hoàn thành 20% khối lượng công việc vì thế khả năng hoàn thành đúng tiến độ khó mà xảy ra.

Người ta có thể đổ lỗi rằng, quá trình thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, tổng số vốn tăng lên gần hai lần so với dự toán ban đầu, nhưng có một sự thật là sự thiếu đôn đốc, hay nói đúng hơn là sự xem thường những hậu quả bão lũ của các cơ quan chức năng thực thi dự án đã khiến công trình chậm trễ.

Và hậu quả thì người dân các xã hưởng lợi trực tiếp từ công trình lãnh đủ. Hiển hiện trước mắt nhất là hàng chục ha đất trồng lúa được chuyển đổi trồng hoa màu kém hiệu quả khiến không ít hộ dân điêu đứng, sau đó mối đe dọa từ bão lũ cuốn trôi tiền của nhà nước, tài sản nhân dân đã cận kề.

Nối dài những nỗi lo

Rốn lũ Hương Khê được biết đến là nơi có hệ thống sông suối phức tạp. Những cơn bão, lũ xảy ra từ trước đã để lại bao câu chuyện chết chóc đau lòng. Hãy nhìn vào những con số hiện tại để giật mình: xấp xỉ 100% chủ phương tiện lái thuyền máy, đò ngang chưa có chứng chỉ lái thuyền; hầu hết các thuyền máy được trang bị từ năm 2002 đến nay đã xuống cấp, nhiều thuyền không sử dụng được.

Nỗi lo bão lũ ở rốn lũ Hương Khê còn được chính UBND huyện này thừa nhận trong một bản báo cáo kiểm tra việc triển khai công tác bão lũ năm 2008, đó là do bận công việc nên một số đoàn kiểm tra của huyện chỉ kiểm công tác phòng chống bão lụt trên... văn bản báo cáo của các địa phương.

Trong khi đó, cho tới tận ngày 26/7 còn tới 7 xã, trong đó có những xã thường xuyên ngập lụt như Phương Mỹ, Hà Linh, Phúc Đồng chưa trình UBND huyện phương án phòng chống bão lụt của địa phương.

Sự lơ là của các đoàn kiểm tra, của chính quyền các cấp cũng lý giải vì sao việc triển khai di dời hàng trăm hộ dân nằm trong vùng trọng điểm lũ quét ở các xã như Hương Xuân, Hương Vĩnh, Hương Trạch, Hương Lâm... ra những vùng an toàn hơn vẫn chưa được triển khai dù đã được hỗ trợ kinh phí di dời và mùa mưa lũ đã ngay trước mặt.

Còn nhiều bất cập khác, như phương án đi lại của nhân dân và học sinh chưa hoàn thiện, việc cắm biển cảnh báo các vùng có nguy cơ sạt lở còn chậm... Chỉ vì như thế, không ai dám chắc rốn lũ Hương Khê sẽ qua một mùa mưa lũ an toàn!

Văn Dũng