1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rối chuyện giam giữ người chuyển giới

Việc giam giữ chung người chuyển giới với phạm nhân bình thường có thể gây ức chế tâm sinh lý, làm ảnh hưởng sinh hoạt của tất cả.

Từ vụ một người chuyển giới bị các phạm nhân bình thường tẩy chay không chịu cho ở chung, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Pháp luật quy định việc giam giữ người chuyển giới ra sao? Có nên giam riêng họ để đảm bảo an toàn?
 
Ngày 1-1, tại khu vực gần trường đua Phú Thọ, quận 11(TP.HCM), Lê Văn Vũ đã cùng một người bạn chưa rõ lai lịch dùng tờ tiền giả mệnh giá 100.000 đồng mua báo. Nghi ngờ tiền giả, chủ sạp báo căn vặn thì cả hai hoảng sợ bỏ chạy.
 
Bị cả “hai thế giới” tẩy chay
 
Bị chủ sạp báo kéo lại, Vũ giằng co, móc trong người ra một xấp tiền giả gồm 70 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng ném vào gốc cây gần đó. Người dân xung quanh thấy thế đã xúm lại hỗ trợ chủ sạp báo khống chế Vũ.
 
Vũ bị Công an quận 11 khởi tố về tội lưu hành tiền giả. Ban đầu, công an đưa Vũ vào nhà tạm giữ của công an quận để phục vụ cho hoạt động điều tra thì xảy ra rắc rối.
 
Rối chuyện giam giữ người chuyển giới - 1
 
Số là trên giấy tờ tùy thân Vũ là nam nhưng thực tế thì Vũ đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành nữ. Khi lực lượng chức năng đưa Vũ vào phòng giam nam, Vũ bị các can phạm nam tẩy chay, không cho ở chung. Sau đó lực lượng chức năng chuyển Vũ sang phòng giam nữ, các can phạm nữ cũng cương quyết không chịu.
 
Lúng túng, Công an quận 11 đành chuyển Vũ đến Trại tạm giam Chí Hòa nhờ giải quyết. May sao ở đây có một phòng giam toàn các phụ nữ đã lớn tuổi. Họ thấu hiểu hoàn cảnh nên chấp nhận cho Vũ ở cùng.
 
Pháp luật quy định sao?
 
Từ vụ việc trên, một câu hỏi được đặt ra: Pháp luật quy định về việc giam giữ người chuyển giới ra sao?
 
Theo một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, cả quy định pháp luật lẫn thực tiễn đều không đề cập đến quy trình tố tụng riêng hay loại phòng giam riêng dành cho người chuyển giới. Căn cứ vào giấy tờ tùy thân, cơ quan chức năng xác định giới tính của họ là nam hay nữ để phân loại đưa vào phòng giam phù hợp.
 
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cũng cho rằng việc mâu thuẫn giới tính trên giấy tờ với thực tế là chuyện cá nhân. Cơ quan tố tụng chỉ căn cứ trên giấy tờ gốc để xác định giới tính. Cụ thể ở trường hợp của Vũ, dù đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhưng giấy tờ tùy thân là nam thì phải giam Vũ chung với các nam phạm nhân. Giả sử Vũ được chuyển đổi hộ tịch và giấy tờ tùy thân theo giới tính mới là nữ thì lúc đó Vũ sẽ được giam ở phòng nữ.
 
Có nên giam riêng?
 
Vấn đề là hiện nay, những người thuộc “thế giới thứ ba” đã xuất hiện không ít trong xã hội ta. Nhiều trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới để được sống thật với con người mình và hầu hết đều không chuyển đổi hộ tịch, giấy tờ tùy thân vì quá trình này rất rắc rối, phức tạp.
 
Theo một cán bộ Trại tạm giam Chí Hòa, nếu cứ căn vào giấy tờ hộ tịch để phân loại giới tính và giam chung người chuyển giới với các phạm nhân bình thường sẽ phát sinh không ít hệ lụy. Trong phòng giam, họ có thể sẽ bị xâm hại tình dục, bị trêu ghẹo, gây sự đánh nhau rồi dẫn đến các hành vi phạm tội khác. Vì vậy, vị cán bộ này đề xuất: Trước mắt, khi pháp luật chưa điều chỉnh thì các trại giam, nhà tạm giữ cứ giam riêng những người này để đảm bảo an toàn. Dĩ nhiên, để đảm bảo trật tự cũng cần phân loại là họ đã chuyển giới thành nam hay nữ để tách ra giam riêng nam với nam, nữ với nữ.
 
Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng đồng tình là nên giam riêng người chuyển giới. Việc giam giữ chung người chuyển giới với phạm nhân bình thường có thể gây ức chế tâm sinh lý, làm ảnh hưởng sinh hoạt của tất cả. Điều đó lý giải vì sao Vũ đã bị cả phòng giam nam lẫn phòng giam nữ tẩy chay. “Chuyện giam riêng họ không có gì khó khăn cả, không cần phải chờ sửa luật mới làm được” - ông Sơn khẳng định.
 
Về lâu dài, ông Sơn cho rằng các cơ quan tố tụng cần cùng nhau khảo sát về thực trạng phạm tội của những người chuyển giới để xây dựng những quy định phù hợp trong việc giam giữ họ. Có thể sẽ mất một thời gian dài để nghiên cứu nhưng việc này là cần thiết.
 

 

Khi nào được xác định giới tính mới?

Nghị định số 88/2008 của Chính phủ cho phép xác định lại giới tính đối với người bị khiếm khuyết về giới tính và đã được chuyển đổi giới tính. Kèm theo đó, họ sẽ được chuyển đổi hộ tịch và các giấy tờ tùy thân theo giới tính mới.

Nghị định chỉ cho xác định lại giới tính đối với người bị khuyết tật bẩm sinh hay chưa phân biệt được nam nữ chứ không chấp nhận các trường hợp về mặt y học bình thường nhưng tâm lý lệch lạc. Những người không có khuyết tật về giới tính, dù đã phẫu thuật chuyển giới cũng không được công nhận.

Nhà tù riêng cho người chuyển giới

Đầu năm 2010, Ý bắt đầu xây nhà tù dành cho các tù nhân chuyển giới đầu tiên trên thế giới tại Pozzale, gần TP Tuscan, tỉnh Florence.

Các nhóm nhân quyền tại Ý đã rất hoan nghênh, cho rằng đây là sự ủng hộ về mặt tâm lý đối với tù nhân chuyển giới. Hiện Ý có khoảng 60 tù nhân dạng này. Họ chỉ được giam tại các nhà tù nữ và thường được cách ly vì lý do an toàn.

Nhà vệ sinh riêng

Năm 2008, Trường Trung học Kampang (Thái Lan) đã xây một kiểu nhà vệ sinh công cộng dành cho “thế giới thứ ba”, đặt ở giữa khu vực toilet nam và toilet nữ.

Năm 2005, thị trấn Nova Igaucu (Brazil), một thị trấn có 28.000 người đồng tính, đã bắt buộc các trung tâm thương mại  phải có chỗ riêng để “thế giới thứ ba giải quyết nỗi buồn”.

Tù nhân kiện đòi phẫu thuật chuyển giới

Giữa năm 2011, Ophelia De’lonta (đang thụ án 70 năm tù  tại Trung tâm Cải tạo Buckingham gồm toàn nam giới) đã khởi kiện cơ quan trừng phạt Virginia (Mỹ). De’lonta cho rằng cơ quan này không cung cấp sự chăm sóc y tế đầy đủ khi từ chối chi trả cho ca phẫu thuật chuyển giới thành nữ. Nếu thắng kiện, De’lonta sẽ là tù nhân đầu tiên ở Mỹ được phẫu thuật chuyển giới do chính phủ tài trợ. Nếu thua, De’lonta nói sẽ tự phẫu thuật “cái đó” để được bình yên.

De’lonta năm nay 50 tuổi, sinh ra là trai, bị chứng rối loạn xác định giới tính. Từ năm 2004, De’lonta đã được tòa cho phép tiêm hormone nữ và mặc quần áo nữ. Tháng 10-2010, sau khi bị một lính gác gọi là “ông”, De’lonta đã lấy giấy che cửa phòng giam rồi tự cắt bộ phận sinh dục nhưng bị ngất và được cấp cứu.

 

 Theo Hoàng Yến
Pháp luật TPHCM