1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Rệp sáp bột hồng đã lan sang Việt Nam

“Một loài sâu hại mới trên cây sắn (khoai mì) đã xuất hiện ở Tây Ninh có tên gọi là rệp sáp bột hồng (Phenacocua manihoti). Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy chúng tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết vào ngày 9/7.

Rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti) hại sắn. (Ảnh: Phạm Văn Lầm)

Rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti) hại sắn. (Ảnh: Phạm Văn Lầm)

Rệp sáp bột hồng hại sắn có nguồn gốc phát sinh ở Paraguay (Nam Mỹ) đã di thực tới nhiều nơi trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện mới ghi nhận được sự xuất hiện của rệp sáp bột hồng hại sắn ở Thái Lan và Campuchia. Tại Thái Lan, diện tích sắn ở Thái Lan bị nhiễm rệp sáp bột hồng là gần 167 nghìn ha vào tháng 5.2010. Tại Campuchia, một số cánh đồng sắn ở các tỉnh biên giới với Thái Lan đã ghi nhận có sự hiện diện của rệp sáp bột hồng vào năm 2009 với diên tích sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng ước khoảng hơn 100 ha và năm 2010 khoảng 137 ha. Rất có thể rệp sáp bột hồng hại sắn xâm nhập vào Việt Nam qua việc trao đổi hom giống sắn ở vùng biên giới với Campuchia.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Tây Ninh và Cục BVTV thực hiện cấp bách việc tiêu hủy nguồn rệp sáp bột hồng hại cây sắn ở tỉnh Tây Ninh.

Theo ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, trước mắt đã phát hiện khoảng hơn 80 ha sắn tại tỉnh bị rệp sáp bột hồng gây hại.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cảnh báo, rệp sáp bột hồng hại sắn có khả năng lây lan rất nhanh (qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển…) nên rất khó phòng ngừa. Nguy cơ gây hại nghiêm trọng do rệp làm giảm năng suất, chất lượng sắn.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rệp hại sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn ở Tây Ninh và các địa phương khác.

GS.TS Phạm Văn Lầm, Viện BVTV cho biết, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về rệp sáp bột hồng hại sắn ở Việt Nam. Khi sắn bị nhiễm loại rệp này, chúng sẽ tấn công điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn. Ngọn chính bị rệp gây hại dẫn đến cây sắn trở nên lùn.

Nếu bị nhiễm với mật độ cao, có thể gây rụng toàn bộ lá của cây sắn. Ở châu Phi, rệp sáp bột hồng gây hại đã làm giảm năng suất củ sắn ở châu Phi tới 80-84%.

Nguy hiểm hơn, “Nghiên cứu của các nhà khoa học Thái Lan cho thấy, trong điều kiện nhất định, rệp sáp bột hồng có thể chuyển sang sống trên các lộc non của cây cao su gây hại. Nếu đúng như vậy thì tác hại kinh tế do rệp sáp bột hồng gây ra sẽ còn lớn hơn nhiều đối với các nước có trồng cây cao su, trong đó có Việt Nam”, GS Lầm cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, hiện nay cũng chưa có loại thuốc BVTV nào đặc hiệu để sử dụng cho công tác tiêu hủy và khống chế dịch hại. Cục BVTV đã phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh để có biện pháp khoanh vùng và đốt toàn bộ cây sắn ở khu vực bị nhiễm rệp sáp bột hồng, nghiêm cấm vận chuyển các bộ phận của sắn (thân, lá, củ) từ vùng bị nhiễm đi nơi khác”, ông Hồng nói.

GS.TS Phạm Văn Lầm cho biết, rệp sáp bột hồng sẽ là đối tượng kiểm dịch thực vật rất khó phòng trừ.

Sau lúa và ngô, cây sắn là cây lương thực đứng thứ 3 ở VN. Sắn được trồng ở tất cả các vùng sinh thái trong cả nước, tập trung nhiều nhất là vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Theo số liệu thống kê 2010, tổng diện tích sắn cả nước là gần 500 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 8,5 triệu tấn. Diện tích trồng sắn nhiều nhất tập trung ở 7 tỉnh: Gia Lai, Tây Ninh, Kon Tum, Đăk Lăk, Bình Thuận, Bình Phước, Đăk Nông và Đồng Nai. Về sản lượng sắn, Tây Ninh dẫn đầu với hơn 1,1 triệu tấn, tiếp đó là Gia Lai (827.500 tấn)...

Theo Minh Cường
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm