1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rầy nâu “tấn công” TP Cao Lãnh

Từ tối 5/3, đường phố tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) bỗng trở nên vắng lặng, hầu như nhà nhà đều đóng cửa, tắt đèn tối om. Tất cả cũng chỉ tại... rầy. Rầy bay đầy đường như trấu, rầy bu đen kín các bức tường, đâu đâu cũng đen kịt rầy...

Chạy trốn cũng không thoát…

Quán cà phê Bốn Mùa trên đường Lý Thường Kiệt, P.1, TP Cao Lãnh đêm 5/3 bỗng đông khách lạ thường. Quán tối om không ánh đèn, vậy mà khách mỗi lúc một đông, ngồi kín hết các bàn.

Anh Phạm Minh Nhật - phục vụ quán - nói: “Khoảng từ 19h30, đường phố vắng tanh. Rầy bay dày đặc ngoài đường, nhìn như sương mù. Nhiều người đi đường không thể đi được nên tấp vào quán để... trốn rầy. Tất cả đèn trong quán đều tắt hết, nếu không thì khách cũng không thể ngồi yên được”.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, làm việc tại Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho biết khoảng 20h tối 5/3 anh có việc phải ra ngoài nhưng đi được khoảng 1km thì chịu hết nổi, phải tấp vào quán cà phê lánh nạn. Anh nói thêm khi ra khỏi nhà mặc áo trắng, nhưng khi dừng lại thì cái áo đã trở thành áo hoa vì rầy bu đầy trên áo”.

Cách quán cà phê Bốn Mùa không xa là nhà hàng Á Châu. Nhân viên nhà hàng cho biết buổi tối dù chưa tới 20h nhưng quán phải đóng cửa trong khi bình thường quán hoạt động đến tận 22h. Chị Phan Nguyên Thảo, nhân viên nhà hàng, cho biết: “Hồi nào giờ chưa từng thấy nhiều rầy như vậy.

Không chỉ nhà hàng, quán ăn mà ngay cả các khu vui chơi cũng vắng tanh và phải nghỉ sớm. Công viên thiếu nhi thành phố hằng đêm vẫn là nơi các bậc phụ huynh đưa con tới vui chơi, sinh hoạt. Tối nào nơi đây cũng rất náo nhiệt, vậy mà nay bỗng vắng lặng khác thường. Người đến chơi về sớm, các gian hàng tổ chức trò chơi cũng đóng cửa nghỉ sớm hơn thường lệ.

Cuộc sống người dân bị xáo trộn

Hầu hết những người dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết họ đã áp dụng nhiều biện pháp diệt rầy nhưng không hiệu quả. Tắt đèn, không ra đường là biện pháp tránh rầy hiệu quả nhất mà người dân đúc kết! Rầy làm cuộc sống thường nhật của người dân gặp khó khăn, bị đảo lộn.

Vì sao rầy lại xuất hiện nhiều như thế? Ông Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng có nhiều nguyên nhân rầy xuất hiện dày đặc ở thành phố.

Thứ nhất, đây là thời điểm trưởng thành của rầy. Thứ hai, đây là thời kỳ thu hoạch lúa của Đồng Tháp và các tỉnh lân cận khiến rầy hết chỗ sinh sống và dồn về diện tích lúa còn lại ở Đồng Tháp. Thứ ba, diện tích lúa còn lại của tỉnh đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông nên thân lúa rất cao, người dân có bơm thuốc trừ rầy thì cũng chỉ diệt được ở trên, trong khi rất nhiều rầy trốn ở dưới thân lúa. Rầy rất thích ánh sáng...

Liệu khi nào điều này mới kết thúc? Ông Quốc cho biết việc rầy xuất hiện đã được dự báo từ trước tết. Sở cũng đã có hướng dẫn các biện pháp phun xịt để trừ rầy nhưng do người dân làm chưa đúng cách nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thao, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, cho biết đã theo dõi rầy di trú từ ngày 25/2 đến nay. Theo đó, mật độ tăng dần lên từng ngày và đến nay thì dày đặc, dự kiến có thể kéo dài đến ngày 10/3.

Chiều qua 6/3, tiến sĩ Lê Văn Bảnh - phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho biết cách đây vài ba năm cũng có đợt rầy làm khổ người dân, nhưng mật độ không nhiều và khả năng ảnh hưởng cũng không nghiêm trọng như năm nay. Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn là mối nguy hại nghiêm trọng cho trà lúa của nông dân đang vào thời kỳ đẻ nhánh. Nếu không phòng trị kịp thời rầy bám vào lúa sẽ gây hiện tượng cháy rầy trên diện rộng rất nguy hiểm.

Theo Minh Giáng
Tuổi Trẻ