1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Rau trồng bằng nước cực bẩn, chỉ bán chứ không ăn!

(Dân trí) - Thôn Hoàng (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) là một trong những địa phương có diện tích trồng rau xanh lớn với đủ các loại su hào, bắp cải, rau muống,... Nhưng ít ai biết rằng, tất cả chúng đều được tưới bằng nguồn nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối.

Khu trồng rau nằm trải dọc theo con sông Cầu Đá, rộng tới vài ha với đủ các loại rau su hào, bắp cải, rau muống..., được bao phủ bởi một màu xanh non. Rau trồng được cung cấp cho chợ đầu mối Xuân Đỉnh và chợ Cổ Nhuế - những địa điểm có sức tiêu thụ lớn tại Hà Nội. Nhìn từ xa sẽ ít ai biết rằng, tất cả chúng đều được người dân trồng và chăm sóc bằng nguồn nước vô cùng ô nhiễm của con sông.

Cánh đồng rau xanh ngát được chăm sóc bằng nước thải

Cánh đồng rau xanh ngát được chăm sóc bằng nước thải

Theo ghi nhận của PV, sông Cầu Đá là nơi chứa nước thải sinh hoạt của rất nhiều khu vực dân cư. Nó chảy qua xã Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế... và đổ ra sông Nhuệ. Vì nằm ở đoạn cuối nhánh sông nên xã Cổ Nhuế hứng chịu toàn bộ nước bẩn, rác thải dồn ứ lại. Kể từ khi khu đô thị mới Cổ Nhuế được xây dựng trên đất của xã, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, lượng nước thải sinh hoạt ngày càng tăng nên tình trạng ô nhiễm đang ở mức độ báo động.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng thôn Hoàng 2 - cho biết: “Con sông này đã bị ô nhiễm cả chục năm nay rồi, nước sông đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Đặc biệt những ngày nắng nóng, mùi thối sộc mạnh khiến người dân mất ăn mất ngủ. 100% các hộ dân đều dùng nước máy, không ai dám sử dụng giếng khoan hoặc giếng đào”.

Mặc dù đã bị ô nhiễm nặng nhưng một số hộ dân ở đây vẫn tiếp tục canh tác, trồng rau xanh trên diện tích đất dọc con sông. Các khâu chăm sóc, tưới tiêu, phun thuốc, rửa rau... đều được sử dụng bằng nguồn nước ô nhiễm nặng. Hơn thế, người dân cũng vô tư vệ sinh chân tay của mình trực tiếp dưới dòng sông sau khi kết thúc công việc.

Nguồn nước tưới đen ngòm vì ô nhiễm

Nguồn nước tưới đen ngòm vì ô nhiễm

Được biết, khu vực trồng rau xanh này mới xuất hiện cách đây 3, 4 năm. Nó đã nhanh chóng trở thành đầu mối cung cấp lượng rau lớn cho các chợ trong khu vực. Gần đây, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh nên diện tích trồng rau ở đây cũng không ngừng được mở rộng.

Chỉ bán chứ không ăn

Ông Đông (một trong những người có vườn rau rộng nhất ở thôn Hoàng) cho hay: “Tôi trồng rau ở đây được 2 năm rồi, thậm chí dựng cả lều để ở, cả ngày ở đây, tối mới về nhà ăn cơm. Nước ở đây ô nhiễm lâu rồi, nhưng vẫn phải dùng để tưới rau vì đâu có nguồn nước nào khác. Nhiều hôm ngồi ăn cơm trưa, mùi thối sộc vào mũi không thể nào chịu nổi”.

Hầu hết các hộ dân trồng rau đều là các gia đình có kinh tế còn khó khăn, biết nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nhưng họ vẫn trồng để kiếm thêm thu nhập. Những người sức đề kháng kém mỗi khi ra ruộng rau đều phải dùng khẩu trang để chống lại mùi hôi thối. Nhiều người do tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước ô nhiễm nên chân nay xuất hiện các triệu chứng viêm da, thậm chí là dị ứng.

Người trồng rau chỉ bán chứ không ăn 

Người trồng rau chỉ bán chứ không ăn 

“Các hộ dân trồng rau ở đây đều không ăn rau này, nhà nào đất rộng thì ở nhà có vườn rau riêng, nhà nào hẹp thì trồng vào hộp xốp. Rau trồng ở đây chỉ để bán ra các chợ, nếu khi nào rẻ quá thì đem về cho lợn chứ người thì không bao giờ ăn” - ông Đông cho biết thêm.

Những gánh rau trồng bằng nguồn nước ô nhiễm này sẽ được đưa ra các khu chợ, nằm chung với các lại rau khác; người tiêu dùng sẽ không thể nào phân biệt đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn.

Tuyến Phan