Rằm tháng giêng rủ nhau đi lễ chùa
"Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", nên ngay từ ngày 10/1 âm lịch (7/2), các đền chùa ở Hà Nội đã tấp nập khách đến lễ Phật. Trật tự an ninh ở các chùa đã tốt hơn nhiều, không còn cảnh ăn xin chèo kéo khách thập phương, song các hàng quán và dịch vụ viết sớ vẫn tràn ngập trước các cổng chùa.
Nô nức rủ nhau đi lễ chùa
Mặc dù mới 8h sáng nhưng chùa Hà đã có gần 10 khách đến làm lễ cầu an, chủ yếu là những người lớn tuổi và dân sống quanh đó. Theo ông Từ trông coi chùa thì phải đến trưa khách thập phương mới đông. Cao điểm là chiều tối ngày 14 và sáng rằm. "Sân chùa rộng vài trăm m2 mà hôm đó cũng chẳng có chỗ mà ngồi", ông Từ nói.
Đền Trấn Vũ, một trong những địa chỉ thường lui tới của khách đi lễ Hà Nội cũng trở nên nhộn nhịp vì những đoàn Phật tử đến từ các tỉnh Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh... Ngoài dâng sớ, lễ Phật, mọi người đều cố gắng được chạm vào tượng Huyền Thiên Trấn Võ với mong muốn được ngài độ cho cả năm.
Chùa Trấn Quốc cũng tập nập khách hành lễ, hàng chục người chen chân tìm chỗ đứng trước cây si cổ thụ ngoài sân chùa. Nhưng đông nhất phải là Phủ Tây Hồ. Ngay từ phòng sắp lễ đã đông nghịt. Hai giỏ đựng mâm bày lễ cứ đầy rồi lại vơi. Nhiều người không có chỗ đặt mâm đã phải cắt cử một thành viên trong đoàn đội lên đầu và đứng vọng từ ngoài sân. Ngoài những hòm công đức như các chùa khác, trước ban thờ chính còn có hẳn một chiếc chậu lớn chứa đầy tiền lẻ của các con nhang dâng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những người đi lễ cho gia đình có không ít đoàn là tập thể của một cơ quan. Nhiều người đến lễ là các công chức, nhân viên công sở trốn giờ làm. Một anh tên Phúc vừa khéo léo đội mâm lễ lên đầu vừa nhắc nhở trưởng nhóm: "Chị nhớ khấn Bà cho phòng mình năm nay đắc lộc và đừng để nhiều hạn như năm vừa rồi nhé". Một anh khoảng 40 tuổi đứng bên cạnh đế thêm: "Nhớ xin thêm là phòng ký được nhiều hợp đồng, để anh em mình có nhiều tiền công trình và thưởng nhé".
Lộn xộn dịch vụ trước cửa thiền
Điểm khác biệt so với mọi năm là mặc dù các đền chùa đều đông nhưng tình hình an ninh khá tốt. Lực lượng bảo vệ được tăng cường. Một số chùa lớn như Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, công an phường và đội xung kích của địa phương cũng thường xuyên có mặt. Đặc biệt tất cả các chùa đều không còn bóng dáng của những kẻ ăn mày hay giả sư khất thực xin tiền.
Trong Chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ có dán bảng khuyến cáo khách đi lễ không cho tiền ăn xin, sư khất thực, cẩn thẩn giữ gìn tài sản và công bố những bức ảnh của người thường xuyên ăn xin trước cổng chùa, hay những kẻ móc túi, trộm đồ lễ.
Ông Thắng, nhân viên Ban quản lý Phủ Tây Hồ, cho biết năm nay ngoài nhân viên của Ban quản lý, Phủ còn huy động cả một đội ngũ bảo vệ, nhân viên tình nguyện giữ trật tự. Ban quản lý cũng nhất quyết không để cho ăn xin vào chùa và dẹp bỏ những người giả dạng sư khất thực.
Ngày 8/2, Thanh tra Bộ Văn Hóa Thông tin đã có công văn yêu cầu các Sở Văn hoá Thông tin ngăn chặn các hiện tượng thắp hương và đốt vàng mã sai quy định, loại bỏ các dịch vụ khấn thuê, hạ lễ, hóa vàng, rút quẻ thẻ, bói bài tây, xem chỉ tay. Đồng thời chấn chỉnh ngay các hoạt động ăn uống lộn xộn. Nghiêm cấm và xử lý việc buôn bán sách bói toán, mê tín, nạn đánh bạc trá hình bằng các trò chơi có thưởng. Công văn cũng yêu cầu UBND xử lý nghiêm người cầm đầu tổ chức, cố tình thực hiện các hành vi sai trái như chèo kéo khách, làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tăng giá, ép giá.
Tuy nhiên, tại Phủ Tây Hồ các cửa hàng ăn uống tràn vào tận sân phủ. Nhân viên của các cửa hàng này luôn miệng rao mời gây xáo động cả không gian trầm tĩnh cần có của chốn thiền tự.
Đường vào chùa Hà, Phủ Tây Hồ thì rợp một màu "cành vàng lá ngọc", và đồ bày lễ. Những bàn viết sớ thuê mọc lên san sát với giá 10 nghìn đồng một bản. Những người viết thuê cũng cố gắng thể hiện dáng dấp của một ông đồ như mặc áo dài khăn vấn. Có "thầy" không chịu được rét thì mặc áo da đội khăn đóng.
Các bàn đổi tiền lẻ thu hút khá đông khách. Tại đây có đủ loại tiền từ những đồng 200, 500 cotton đến những tờ 2 USD vốn được coi là đồng tiền may mắn được mua bán công khai. Tỷ lệ ở đây khá đắt, 10 nghìn đồng chỉ đổi được 5-6 nghìn đồng tiền 200. Một tờ 2 USD được bán với giá 400-500 nghìn đồng.
Theo Trịnh Vũ
Vnexpress