Rác thải y tế - “Ổ bệnh” khổng lồ
Trung bình mỗi ngày, các bệnh viện trên khắp cả nước thải ra khoảng 240 tấn rác thải. Khối rác khổng lồ đó trở thành “ổ bệnh” nguy hiểm, đe dọa sức khoẻ người dân.
Mối nguy từ bệnh viện
Phần lớn chất thải y tế tập trung tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM trong những khu vực đông dân cư. Ai cũng biết chất thải y tế có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như ở nước ta. Đặc biệt những chất thải nhiễm khuẩn, chất thải từ các phòng xét nghiệm thường có độ lây nhiễm bệnh rất cao nhưng chưa được kiểm soát triệt để.
Trong khối lượng chất thải khổng lồ đó, đáng kể nhất là chất thải rắn. Riêng TP Hà Nội là 12 tấn/ngày, với rất nhiều chất thải rắn phải được xử lý đặc biệt. Nếu số chất thải này được tập chung gần các khu dân cư thì hậu quả rất nguy hiểm bởi chúng thường có độ lây nhiễm rất cao.
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trong chất thải y tế, tổ chức này e ngại đến 29 đồng phân độc nhất. Trong đó, Dioxin là chất độc nhất mà các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành đã tổng hợp được. Dioxin là một chất có nguy cơ tác động toàn cầu, có đặc tính bền vững rất cao và khả năng làm nhiễm bẩn nước ngầm, không khí, lương thực thực phẩm... Thậm chí ở nồng độ rất thấp, Dioxin cũng có khả năng gây rối loạn nội tiết, phá hủy cân bằng miễn dịch, gây ung thư, quái thai, dị dạng... di truyền cho các thế hệ sau.
Hiện nay, mạng lưới các cơ sở y tế trải rộng trên khắp đất nước với hàng trăm bệnh viện lớn của Trung ương, khu vực và của tỉnh, trên 600 bệnh viện cấp huyện, khoảng 50 viện nghiên cứu có giường bệnh… |
Chính vì vậy, vấn đề xử lý khí thải y tế được quan tâm là áp dụng công nghệ tiên tiến và hợp lý nhằm giảm tối thiểu khí thải có Dioxin và các hợp chất tương tự vào môi trường.
Theo quy định, tất cả các bệnh viện mới xây đều phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, nhưng do khó khăn về điều kiện kinh tế, nên vẫn còn nhiều bệnh viện không có bể xử lý nước thải. Chính vì vậy, nguồn nước mặt của các khu vực dân cư xung quanh thường bị ô nhiễm.
Đốt rác chưa phải là giải pháp tốt
Rác thải bệnh viện đang là một vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, ngay cả ở các bệnh viện tuyến tỉnh nhiều nơi vẫn chưa có một nơi tập kết chất thải. Hiện nay, có trên 80% bệnh viện đã thực hiện việc phân loại rác thải ngay từ nguồn. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác xử lý rác thải y tế cũng còn hạn chế.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính của những hạn chế trong xử lý chất thải bệnh viện là do thiếu kinh phí. Theo ước tính sơ bộ, tổng kinh phí cho toàn bộ chương trình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế khoảng 1.160 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện đi tiên phong trong việc xử lý rác thải y tế bằng việc lắp đặt một hệ thống đốt rác hiện đại. Đây là công nghệ mới được đưa vào nước ta. Tuy nhiên, việc áp dụng gặp nhiều trở ngại bởi điều kiện khí hậu của nước ta quá ẩm.
Theo lý thuyết, rác có độ ẩm quá 40% rất khó đốt, nếu cố đốt, khí thải ra không phải là sự đốt cháy hoàn toàn vì thế trở nên độc hại hơn là không đốt. Ngoài ra, còn một loạt những trở ngại khác như: Các bệnh viện phải có nhân viên chuyên nghiệp để phân loại rác; chế độ tiền lương, bảo hiểm cho các đối tượng này. Chính vì vậy mà đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện cũng không hồ hởi lắm trong việc đón nhận công nghệ mới này.
Nhiều bệnh viện tuyến trên có lò đốt nhưng cũng không vận hành được do thiếu kinh phí mua năng lượng để vận hành, xử lý tro... trong khi các bệnh viện không thể tự nâng giá khám chữa bệnh để bù vào chi phí xử lý chất thải của mình.
Hiện nay, nước ta đã áp dụng một số phương pháp xử lý chất thải y tế như: xử lý khô, xử lý ướt, khử khí Clo và một phương pháp nữa là xúc tác oxy hóa. Các phương pháp trên đang được áp dụng ở một số nơi nhưng thực chất cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Để xử lý rác thải y tế có hiệu quả phải nghiên cứu và lựa chọn một công nghệ thiêu đốt tiên tiến có các tiêu chuẩn phù hợp như: chế độ nhiệt, vùng nhiệt xử lý chất thải và khí thải, thời gian lưu cháy, hệ điều khiển và kiểm soát khí thải bằng các thiết bị đo chính xác, hiện đại. Bởi vì đây chính là những yếu tố quyết định làm giảm tối đa chất Dioxin có trong khí thải.
Trọng Hiếu