Hà Nội:
Rắc rối chuyện tái định cư khu nhà gỗ phường Chương Dương
Gần 70 hộ dân đang ở ghép tại bảy khu nhà gỗ nguy hiểm phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chưa đồng thuận với phương án tái định cư (TĐC) bố trí 2-4 hộ ở ghép chung trong một căn hộ vài chục mét vuông.
Các hộ dân tại bảy nhà gỗ nguy hiểm phường Chương Dương nói khi được phân nhà về ở tại đây, có trường hợp 3-4 hộ ở chung một căn phòng. Nhưng có gia đình đã được phân chia diện tích rõ ràng bằng cách làm tường ngăn và tạo lối đi riêng. Sau gần 20 năm, đến giờ nhiều gia đình đã có tới 4-5 khẩu.
Ông Vũ Đức Quyên, khu bảy nhà gỗ đang giải tỏa, nói: “Gia đình tôi bốn nhân khẩu nhưng theo phương án TĐC phải ở chung với một gia đình khác. Chưa nói chuyện phân chia quyền sử dụng, chỉ tính chuyện chia tiền điện nước, ai dùng nhiều ít cũng đã đủ mệt”.
UBND phường và quận cho biết tại bảy nhà gỗ có khoảng 270 hộ dân phải di chuyển, trong đó có khoảng 70 hộ trước đó đang ở ghép. Việc ghép chung dựa theo nguyên tắc: phân từng nhóm thuê nhà, mua nhà và tạm cư. Tuy nhiên, cách làm này cũng đã tạo ra cảnh hai-ba gia đình chưa biết nhau bị “gom” thành đại gia, một hộ dân nói.
Những trường hợp khác được phân nhóm bốc thăm TĐC tại Cầu Diễn, Xuân Đỉnh cũng trớ trêu không kém. Gia đình ông P.K.Q., ông N.T.K. phải ở chung với gia đình bà T.T.C., bà T.T.H. Những trường hợp khác khi bị ghép ở chung cũng sẽ xảy ra cảnh tương tự và đó là nguyên nhân đến đầu tháng 11/2006, các hộ dân thuộc diện ở ghép vẫn từ chối bốc thăm nhận nhà.
Ông Lều Hồng Nhân, tổ trưởng tổ 24, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, khẳng định với phương án sắp xếp như vậy chắc chắn các hộ dân sẽ không đồng ý. Nguyện vọng chung của các hộ dân là được mua nhà ở riêng nhưng chưa được giải quyết.
Sẽ tăng căn hộ TĐC?
Ông Nguyễn Sơn Hà, phó chủ tịch UBND phường Chương Dương, cho biết theo phương án ghép hộ, người dân phản ứng rất quyết liệt. Trong khi việc giải quyết cho các hộ dân được mua nhà độc lập vượt ngoài thẩm quyền cấp phường. UBND phường đã có đề nghị đối với những trường hợp KT1, KT2 có 3-4 khẩu diện tích từ 15-20 m2 hoặc những trường hợp có diện tích trên 20 m2 đối tượng KT1, KT2 hoặc KT3 ăn ở ổn định từ năm năm trở lên cần bố trí bán căn hộ riêng nhưng chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Khang, trưởng Ban bồi thường hỗ trợ TĐC - phó chủ tịch Hội đồng GPMB quận Hoàn Kiếm, khẳng định cơ sở để ghép ở chung dựa theo nguyên trạng các hộ đang ở. Cụ thể, trước kia một căn phòng phân cho hai hộ, khi TĐC sẽ ghép nguyên hai hộ đó, cũng có trường hợp phải ghép tới bốn gia đình. Tuy nhiên, diện tích ở ghép khi TĐC sẽ lớn hơn diện tích các hộ đang sử dụng tại các căn nhà gỗ.
Theo ông Khang, nguyên nhân khiến các hộ dân phải ở ghép là do thiếu quĩ nhà TĐC, điều này gây không ít khó khăn cho đơn vị thực hiện cũng như các hộ dân. Thực tế, để di chuyển 270 hộ dân tại 7 nhà gỗ, quận mới chỉ được bố trí 214 căn hộ TĐC, vẫn còn thiếu khoảng 56 căn hộ để phục vụ di chuyển toàn bộ số hộ dân này. Do quĩ nhà TĐC đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí thêm nên các hộ dân trước kia ở ghép bao nhiêu bây giờ vẫn phải ở ghép bấy nhiêu.
Trường hợp bốn gia đình ghép ở cùng nhau trong căn hộ TĐC chỉ có ba phòng, phân chia ra sao? Ông Khang nói UBND quận và chủ đầu tư đang phối hợp với công ty quản lý nhà tìm giải pháp. Đồng thời, các hộ được tùy chọn người ở ghép chung theo nguyện vọng nhưng rất khó thực hiện.
Ông Khang nói thêm đây là vướng mắc lớn nhất, đặc thù của khu nhà gỗ nên quận sẽ báo cáo TP xin chủ trương giải quyết theo hướng tăng căn hộ TĐC.
Theo Xuân Long
Tuổi Trẻ