1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Rà soát toàn bộ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm liên quan Tân Hoàng Minh

Thế Kha

(Dân trí) - Theo một chuyên gia về đấu giá tài sản ở Bộ Tư pháp, việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh viết "tâm thư" không có giá trị pháp lý; quan hệ giữa hai bên được điều chỉnh bởi hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Nguồn tin của Dân trí cho biết, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đang rà soát toàn bộ quy trình bán đấu giá tài sản 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có khu đất mà Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá với số tiền 24.500 tỷ (hơn 2,4 tỷ đồng/m2).

Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, quy trình đấu giá đã kết thúc, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá và người có tài sản - UBND TPHCM được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thông thường, sau khi cuộc đấu giá kết thúc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Thu Thiem.jpeg

Lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 (Ảnh: Hữu Khoa).

"Trường hợp liên quan đến Tân Hoàng Minh là một trong số ít trường hợp mà quan hệ giữa hai bên được điều chỉnh bởi hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thay vì phê duyệt kết quả đấu giá. Việc xử lý tiền đặt cọc của Công ty Ngôi Sao Việt được thực hiện theo hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá không có quy định về xử lý tiền đặt cọc thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự"- một lãnh đạo cấp Cục của Bộ Tư pháp phân tích.

Vị lãnh đạo này cho rằng, với cuộc đấu giá "nóng" và khoản tiền đặt cọc lớn như cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, chắc chắn các bên phải thỏa thuận về xử lý tiền đặt cọc trong trường hợp không thanh toán tiền trúng đấu giá. Vì vậy việc họ viết "tâm thư" không có giá trị pháp lý".

Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Trong trường hợp của Công ty Ngôi Sao Việt thì cuộc đấu giá đã thành nên muốn hủy kết quả đấu giá thì phải hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

"Cần phải lưu ý là kể cả các bên có thỏa thuận nhưng nếu việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng tới lợi ích cả Nhà nước thì pháp luật cũng không cho phép hủy hợp đồng"- vị chuyên gia của Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Chiều 11/1, dư luận cả nước xôn xao trước "tâm thư" của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - gửi tới lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước. Ông Dũng là người đã trực tiếp tham gia đấu giá tại phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" cách đây chưa lâu tại TPHCM. 

Trong thư, ông Dũng bày tỏ việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích hơn 10.000 m2 và với mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết thêm thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc. Sau đó chỉ còn một nhà đầu tư ngoại nên nếu ông bỏ cuộc thì mảnh đất đó sẽ thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Trong lúc đó "trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn trong nước" nên ông Dũng cho biết đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%.