1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Ra quyết định “đẩy dân ra đường” nhưng không sửa sai

(Dân trí) - Ra những quyết định cưỡng chế trái pháp luật, UBND quận Thanh Xuân đã “vô tình” đẩy nhiều hộ dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Điều đáng nói là suốt 2 năm qua quyền lợi của các “nạn nhân” này vẫn chưa được các cấp chính quyền sửa sai.

Ra quyết định “đẩy dân ra đường” nhưng không sửa sai - 1
Ông Vũ Hồng Khanh (người thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND TP
Hà Nội thăm hỏi các hộ dân tại đường Vành đai 3 đoạn qua quận Thanh Xuân.

Quyết định sai, trăm người khổ

Dự án xây dựng giai đoạn 1 đường Vành đai 3 đoạn qua quận Thanh Xuân, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 597/QĐ-TTg ngày 16/5/2001 với việc GPMB và xây dựng đường đô thị theo sát chỉ giới đường đỏ 68m, hình dạng nút giao Thanh Xuân cân đối 4 góc, tổng diện tích phải thu hồi là 768.325m2.

Để giải quyết những khiếu kiện, tố cáo của người dân, UBND TP Hà Nội đã ra Thông báo số 262/TB-UBND ngày 30/11/2006 chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân phải thực hiện GPMB theo trình tự 3 bước, trong đó “tổ chức họp báo công khai các văn bản pháp lý để tổ chức thực hiện công tác GPMB đường Vành đai 3”.

Nhưng chính quyền quận Thanh Xuân đã “phớt lờ” thông báo trên. Thay vào đó ngày 31/1/2007, Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung ra liền 15 Quyết định xử phạt hành chính “hai trong một” với hình thức cảnh cáo, và buộc các hộ dân phải chấp hành Quyết định thu hồi đất số 4664/QĐ-UB ngày 17/8/2001 của UBND Thành phố.

Theo đó các hộ dân buộc phải di dời toàn bộ tài sản ra khỏi phạm vi đất đã bị thu hồi, trong khi họ vẫn chưa được nhận Quyết định thu hồi đất với từng hộ, cá nhân và Quyết định 4664/QĐ-UB chỉ là quyết định thu hồi đất chung cả 4 quận, huyện nơi Dự án đi qua.

Tiếp đó ngày 3/4/2007, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Hoàng Nam Sơn đã ra hàng loạt Quyết định cưỡng chế trái pháp luật vi phạm khoản 3 điều 39 luật Đất đai 2003 và các văn bản hiện hành của Chính phủ, với mục đích nhằm thực hiện các Quyết định xử phạt nêu trên.

Ngày 12/4/2007, mặc dù chưa giải quyết xong nhà tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, UBND quận Thanh Xuân đã huy động máy móc, phương tiện thẳng tay phá dỡ nhà ở, thu giữ toàn bộ tài sản của người dân cho vào bao tải.

Việc cưỡng chế trái pháp luật được tiến hành nhanh tới mức “quên” cả lập Biên bản thi hành Quyết định cưỡng chế, lẫn Biên bản kê biên chủng loại, số lượng, tài sản bị thu giữ?

Hậu quả chưa được khắc phục

Trước những quyết định và việc làm sai trái của chính quyền quận Thanh Xuân, 12/15 hộ dân đã đồng loạt khởi kiện ra tòa hành chính. Và khi phải đối mặt với các phiên tòa, chính quyền từ quận tới phường Thanh Xuân Trung mới chịu sửa đổi, huỷ bỏ những quyết định sai trái do mình ban hành theo hướng sai đâu sửa đó!

Nhưng việc làm trên có phần muộn màng, khi hậu quả nghiêm trọng xảy với người dân không thể khắc phục. Bởi cho tới nay đã hơn 2 năm sau ngày cưỡng chế, vẫn còn khoảng 10 hộ chưa được giải quyết nhà tái định cư, họ phải tự thuê nhà hoặc chấp nhận cuộc sống tạm bợ trong những ngôi nhà đổ nát, dựng tạm bằng lều bạt.

Lý do những hộ dân ở đây đưa ra là chủ đầu tư Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) vẫn chưa cung cấp cho người dân những tài liệu pháp lý quan trọng bắt buộc phải có để thực hiện dự án, GPMB.

Cũng theo phản ánh của những người dân giờ đây họ không biết cấp chính quyền nào sẽ quản lý họ về mặt hành chính vì mọi thủ tục xin xác nhận đi làm, nhập học đều không thể thực hiện được do giấy tờ gốc đã bị thu giữ.

Chưa hết, muốn nhận lại tài sản, các hộ phải chịu chi phí cưỡng chế, vận chuyển nhưng đến nay chính quyền quận Thanh Xuân vẫn chưa đưa ra được những giấy tờ cần thiết chứng minh cho những chi phí trên?

Những việc làm sai trái tại quận Thanh Xuân đã được cấp ủy Đảng nơi đây thẳng thắn nhìn nhận: “Việc để các hộ khiếu kiện về công tác GPMB đường Vành đai 3 sau khi bị cưỡng chế, giải tỏa có phần lỗi của cơ quan tham mưu và lãnh đạo UBND quận trực tiếp ký Quyết định cưỡng chế”.

Nhìn nhận như vậy nhưng đến nay việc khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đến bao giờ quyền lợi của người dân được đảm bảo? Cán bộ làm sai sẽ bị xử lý, kỷ luật ra sao? Câu hỏi xin được chuyển đến lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Vũ Văn Tiến