Ra nghị quyết là đúng luật nhưng... khó!

(Dân trí) - Trưởng ban Dân nguyện QH Trần Thế Vượng cho rằng, việc các Bộ trưởng trả lời vòng vo, né tránh chỉ cần nhắc nhở, không cần đến nghị quyết. Bởi “khi đã ra nghị quyết sau mỗi kỳ chất vấn là phải có vấn đề, như thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng…”.

Ý kiến trên của ông Vượng được đưa ra trong phiên góp ý của Thường vụ Quốc hội về chương trình dự kiến kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, chiều 25/3.

Theo tờ trình, kì họp tới đây, Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 28,5 ngày (20/5 - 24/6), trong đó có 3 trong số 5 ngày thứ bảy. Riêng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bố trí khoảng 2,5 ngày và chỉ chọn khoảng 5-6 vấn đề để tập trung chất vấn, xác định rõ trách nhiệm.
 
Ra nghị quyết là đúng luật nhưng... khó! - 1
Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sẽ được Quốc hội quyết định tại kì họp tới đây.
 
Đối với những chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lí của nhiều cơ quan của Chính phủ, tờ trình đề nghị Chính phủ bố trí Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng được giao phụ trách lĩnh vực trả lời thay vì nhiều bộ trưởng phải trả lời để tránh tình trạng không thống nhất ý kiến, phân định trách nhiệm không rõ ràng.

Tờ trình cũng đề nghị, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng nghị quyết về chất vấn tại kì họp theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người trả lời chất vấn.

Góp ý về vấn đề này, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, ra nghị quyết là đúng luật, nhưng làm được một Nghị quyết là rất khó. Theo ông Vượng: “Khi đã ra nghị quyết là phải có vấn đề, là to chuyện, chẳng hạn như thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng…”. Với những vấn đề như các Bộ trưởng trả lời vòng vo, né tránh, theo ông Vượng chỉ cần Chủ tọa nhắc nhở, không cần phải dùng đến Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, không nên cứng nhắc vấn đề ra nghị quyết, chỉ nên thực hiện trong trường hợp cần thiết. “Tùy theo tình hình phiên chất vấn như thế nào mới tính toán ra nghị quyết hay không”, ông Kiên bày tỏ.

Đề nghị bổ sung báo cáo về việc làm

Góp ý với chương trình chung của kì họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Hà Văn Hiền cho rằng, có một số vấn đề Chính phủ phải trình Quốc hội quyết tại kì họp lần này, nhưng hiện chưa được đưa vào chương trình. Cụ thể là việc tạm hoãn thuế thu nhập cá nhân, việc Tập đoàn Dầu khí xin đầu tư ra nước ngoài hơn 20 ngàn tỉ, việc tạm hoãn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu…

Cũng theo ông Hiền, trong trường hợp phải điều chỉnh các chỉ tiêu Kinh tế - Xã hội, Chính phủ cần cho Thường vụ Quốc hội biết sớm để các ủy ban có thẩm tra.

“Chính phủ nên tổng hợp những vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội, hạn chế những vấn đề xin ý kiến Thường vụ Quốc hội giữa hai kì họp”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước đề nghị. Ông Ksor Phước cho biết, cho đến lúc này, ông vẫn chưa hình dung hết những vấn đề Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội tại kì họp tới.

Theo ông Ksor Phước, nếu Chính phủ không thực hiện tốt việc thống nhất các vấn đề xin ý kiến Quốc hội tại kì họp sẽ dễ lập lại tình trạng sau kì họp Quốc hội không bao lâu, thậm chí chỉ vài tuần sau Chính phủ đã phải có văn bản xin ý kiến Thường vụ Quốc hội về một vấn đề nào đó.

Về các dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kì họp tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một số dự án luật như Luật sửa đổi Luật Thanh tra, luật liên quan đến xây dựng cơ bản… đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa rõ “hình hài” ra sao. Ông Kiên đề nghị, Chính phủ nên có báo cáo sớm với Thường vụ Quốc hội về những dự án luật này.

Cũng tại buổi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai đề nghị nên có báo cáo bổ sung thực trạng việc làm và giải pháp đi kèm báo cáo Kinh tế - Xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng đề nghị nên dành một buổi để Quốc hội nghe báo cáo về kết quả phân giới, cắm mốc giữa ta và Trung Quốc.

Cấn Cường