Kon Tum:
Quyết tâm xin thoát nghèo vì "thấy mình giàu hơn rất nhiều người khác"!
(Dân trí) - Không muốn trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, 5 hộ dân ở xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất cho những hộ khó khăn hơn. Đặc biệt, trong số này có đến 4 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là một xã đặc biệt khó khăn với 1.300 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 545 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu là trồng trọt, trình độ canh tác còn hạn chế. Mặt khác, đa phần các hộ gia đình đều đông con, kinh tế hết sức khó khăn. Nhưng không vì thế mà người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Vừa qua, trên địa bàn xã có 5 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo gồm hộ: chị Y Byenh, anh A Cách, anh A Thang, anh A Lanh và anh Phạm Quyết Chiến. Điều đáng nói là họ xin thoát nghèo không hẳn vì đã khá giả mà vì lòng tự trọng, muốn tự thân vươn lên; muốn nhường lại suất nghèo cho những gia đình còn khó khăn hơn.
Trao đổi về hiện tượng "kỳ lạ" này, anh A Thang (38 tuổi, xã Đăk Tơ Re) bộc bạch: “Nhận thấy mình "giàu" hơn rất nhiều so với những người hàng xóm, sau khi bàn bạc với vợ, tôi đã quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo hồi cuối tháng 10. Trong phần lý do đề nghị xét duyệt thoát nghèo, cận nghèo, tôi viết "gia đình kinh tế ổn định, nhường suất cho những hộ khó khăn hơn".”.
Gia đình anh A Thang sống trong căn nhà sàn truyền thống của người đồng bào Xê Đăng tại thôn Kon Rơ Lang. Anh Thang khoe vụ lúa vừa rồi gia đình thu hoạch được hơn 70 bao lúa. Ngoài ra vườn cao su rộng 1 ha và rẫy mì 3 ha đang chờ thu hoạch.
Được biết, gia đình anh Thang thuộc diện hộ cận nghèo từ năm 2017 nên được nhiều ưu đãi trong vay vốn, miễn phí bảo hiểm y tế... Đặc biệt, cứ đến dịp tết, anh nhận 25 kg gạo, bột ngọt, nước mắm, mì tôm. Hiện vợ chồng anh có hai người con, con gái lớp 12 đang đi học ở huyện, con lớp 5 học ở gần nhà.
Tương tự, chị Y Byenh (trưởng thôn 10) chia sẻ, gia đình chị có 4 người con đang ăn học nên còn nhiều khó khăn. Nhận thấy được điều đó, hai vợ chồng đã chú tâm làm ăn nên kinh tế dần ổn định. Đến nay, chị đã có 2ha đất trồng sắn, gần 300 cây cao su và bời lời. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập.
“Sau 3 năm hưởng chế độ hộ nghèo, giờ kinh tế gia đình đã có phần khá hơn nên tôi muốn nhường suất hộ nghèo cho những người khó khăn hơn. Vợ chồng tôi còn sức khỏe, cứ cố gắng làm thật nhiều thì sẽ khá lên thôi, không thể trông chờ vào Nhà nước mãi được”, chị Byenh nói.
Đến với gia đình anh Phạm Quyết Chiến (36 tuổi trú tại thôn 12, xã Đăk Tơ Re), trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 xuống cấp và cũ kỹ, bên trong dường như không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi được anh mua đã hơn 10 năm.
Anh Chiến chia sẻ, năm 2004, anh theo bố mẹ từ Vĩnh Phúc vào đây lập nghiệp. Đến năm 2005, anh cưới vợ. Nay, hai vợ chồng anh đã sinh được 3 cháu, cháu gái lớn nhất học lớp 8, một cháu trai học lớp 7 và một cháu trai mới được 20 tháng tuổi.
Hơn một tháng nay, kể từ khi lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình được UBND xã Đăk Tơ Re chấp thuận, vợ chồng anh Chiến cứ làm quần quật suốt ngày ở trên rẫy, đến tối mịt mới về.
Ông Huỳnh Quốc Thái (Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Re) cho biết, xã thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn. Trong đợt rà soát hộ nghèo vào tháng 10 vừa qua, trên địa bàn xã có hơn 545 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo, trong đó có 5 hộ đã viết đơn xin thoát diện hộ nghèo và trong số này có 2 trưởng thôn. Năm 2019, xã được giao chỉ tiêu giảm 108 hộ nhưng đến nay đã có 120 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
“5 hộ dân xin thoát nghèo cho thấy người dân đã có ý thức vươn lên, không còn sự trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư của nhà nước cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, những hộ dân này là tấm gương để địa phương vận động người dân vươn lên thoát nghèo”, ông Thái nói.
Phạm Hoàng