1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Quyết tâm cao, nhưng chuyển biến chậm”

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đã đánh giá như vậy về tình hình chống tham nhũng. Còn Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận, một số vụ án trọng điểm xìu dần và đại biểu QH không biết giải thích với dân ra sao.

Rất nhiều vấn đề xung quanh báo cáo của Chính phủ về Phòng chống tham nhũng đã được Thường vụ Quốc hội góp ý vào sáng 8/10.

“Người dân không hiểu, tôi cũng không hiểu”

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng trong năm qua có những chuyển biến, nhưng nhìn tổng thể, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Tính từ 1/10/2007 đến 31/8/2008, trong số tội phạm tham nhũng bị kết án có 199 tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (chiếm tỉ lệ 29,4%).

Góp ý với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai bày tỏ sự đồng tình với nhận định, “vẫn còn phổ biến trong xã hội tâm lí cần phải và có thể hối lộ để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc” và nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp. 

Từ 1/10/2007 đến 31/8/2008 đã phát hiện 379 vụ việc tham nhũng (giảm 14% số vụ việc so với cùng kì năm trước), trong đó cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 284 vụ án (giảm 30%) với 622 bị can (giảm 25%) về các tội danh tham nhũng. Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng phát hiện được là 132 tỉ đồng, 48,3 ha đất.

Theo bà Mai, hiện nay nhiều người quan niệm, nhờ ai việc gì đó phải có phong bì, phải có đi có lại. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn có phong bì với cô giáo trong ngày 20/11… Bà Mai lo ngại, vấn đề này nếu trở thành xu hướng sẽ rất nguy hiểm nên đề nghị phải có đánh giá với vấn đề này.

Bà Mai cũng nhận định, các vụ việc trọng điểm lúc đưa ra Quốc hội, các đại biểu đều thể hiện sự sốt ruột, nhưng rồi vụ việc cứ xìu dần, xìu dần. Đến lúc này, các đại biểu Quốc hội xuống cơ sở, cử tri hỏi không biết trả lời thế nào.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhìn nhận, quyết tâm phòng chống tham nhũng rất cao, nhưng chuyển biến chậm, kết quả không như mong muốn. Theo ông Thuận, việc dễ triển khai là thể chế hoá luật cũng chậm trễ, cho dù kinh phí cho các đề án không thiếu.

Cùng đó, việc phát hiện, xử lí tham nhũng cũng tương tự. Hơn nữa, trong một số vụ như vụ PMU 18 các cơ quan thực thi pháp luật đã thể hiện tiền hậu bất nhất. “Người dân không hiểu vụ này và tôi cũng không hiểu được”, ông Thuận nhấn mạnh.

“Có gì đó như nương nhẹ”

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đề cập việc 17 trường hợp (trong số 357 bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản) được toà tuyên không phạm tội. Theo ông, khi toà tuyên như vậy, dư luận có thể hiểu là có sự chỉ đạo nào đó, dù thực tế không phải như vậy. Ông Vượng nhấn mạnh, trong việc điều tra truy tố không thể vì chạy theo thành tích mà làm oan cho người khác, ngược lại phải hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, với  con số 139 trường hợp được xử án treo (chiếm đến 1/3 số bị cáo ở trên), ông Vượng cho rằng, “có gì đó như nương nhẹ”. Theo ông, trước đây, có những địa phương có nhiều án treo nói chung, sau khi kiểm tra lại cho thấy thực tế có sự nương nhẹ. Từ đó, ông Vượng đề xuất, phải xem xét lại xung quanh số án treo này.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng là rất khó vì đó là đấu tranh với chính mình, với chính những người đang làm trong các cơ quan nhà nước, nắm rõ luật, rất thông minh. “Ta không thể hô hào ầm ầm chung chung mà phải có trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng đề cập đến việc, hiện nay rất nhiều lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các sở ngành ở khu vực phía Bắc tập trung mua đất ở Hà Nội, trong khi nhiều lãnh đạo ở các tỉnh phía Nam mua đất ở Tp Hồ Chí Minh. Thậm chí nhiều cán bộ ở các tỉnh phía Bắc bay vào Tp Hồ Chí Minh mua đất. Điều đáng nói theo ông là những tài sản nhà đất này không chỉ là con số vài tỉ mà có thể lên đến vài chục tỉ…
Cấn Cường