1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quyết “dẹp” cảnh mỗi chân tượng một hòm công đức

(Dân trí) - Rất nhiều ví dụ về khoản thu hàng chục tỷ đồng mỗi mùa lễ hội từ tiền công đức tại các di tích, danh thắng được nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL. Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn hứa, sẽ “dẹp” hiện tượng mỗi chùa có 4-5 hòm gom tiền công đức.

Quyết “dẹp” cảnh mỗi chân tượng một hòm công đức - 1
Không sẵn hòm dưới chân, toàn thân tượng cũng ngập tiền công đức.

Sau 7 năm thực hiện luật di sản văn hoá, hàng trăm, hàng nghìn di tích lịch sử văn hoá đã được “cứu”. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm di tích, Bộ trưởng VH-TT&DL nhận định đã xảy ra từ nhiều năm trước, chưa thể giải quyết trong một vài năm tới. Hà Nội, TPHCM, Huế những tỉnh thành tập trung nhiều di tích nhất thì tỷ lệ bị xâm phạm cũng thuộc hàng… “top”.

Trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (20/3), đại biểu Nguyễn Minh Thiết “móc” lại: “Bộ trưởng nói chưa dẹp được nhưng ít nhất cũng phải có lộ trình chứ?”. Ông Thuyết đòi hỏi câu khẳng định Bộ có giải quyết và có giải quyết được vấn đề xâm phạm di tích hay không.

Ông Tuấn phân trần, nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là việc giải toả lượng dân “ngụ cư” trong khu di tích. Bộ trưởng VH-TT&DL lấy ví dụ, hiện tại di tích cố đô Huế vẫn còn khoảng 2.800 hộ dân sống trong vùng 1, khu vực thành nội. Tương tự, di tích thành Cổ Loa cũng có 500 hộ dân sinh sống…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn cũng đưa ra một số mốc cụ thể theo lộ trình quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt: đến 2010, 2/3 di tích quốc gia phải được trùng tu; đến 2020, 4 vạn di tích trong cả nước, nhiều nơi sẽ tiếp tục được xếp hạng quốc gia.
 
Quyết “dẹp” cảnh mỗi chân tượng một hòm công đức - 2
Hiện trạng không hiếm của các di tích xếp hạng quốc gia.

Nhiều đại biểu khác lại cho rằng, di tích bị xâm phạm do chính việc thương mại hoá. Việt Nam hiện có hơn 15.000 chùa chiền và đến nay hầu hết trong số này, quán xá đã vào đến tận cửa. Đến chùa cũng thành nơi bày bán đủ loại “đồ tâm linh”. Rồi các loại dịch vụ, ngay ở Hà Nội, đi lễ chùa đầu năm, giá gửi ôtô là 50.000đ, ngay tại phủ Tây Hồ - một số đại biểu bức xúc.

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn nhận trách nhiệm ngay: “Chúng tôi sẽ đề nghị mùa lễ hội sắp tới nhất quyết phải dẹp bỏ các hàng quán. Đây là lỗi của các đơn vị quản lý, ban quản lý di tích”.

Tình trạng mỗi chân tượng đặt một hòm tiền công đức cũng được nhắc nhiều. Thậm chí không ít địa phương, ban quản lý di tích mở hòm công đức để… nộp cho chính quyền.

Một ví dụ cụ thể khác được nêu, năm 2008, tiền cúng viếng đền Bà Chúa Sứ (An Giang) lên tới 30 tỷ. BQL xin “bà” để dùng tiền này xây dựng trường học tại địa phương, ủng hộ người nghèo. Nhưng ai chắc rằng, tất cả các di tích khác đều có những quyết định nghĩa cử như thế.

Bộ trưởng VH-TT&DL đồng tình tiền cúng lễ dùng cho hoạt động xã hội là mô hình tốt. Nhưng nhiều di tích thì khoản thu này chủ yếu dùng vào việc tu bổ di tích. Ông Tuấn cũng trực tiếp nêu con số 15 tỷ đồng là tiền công đức thu được tại khu di tích đền Hùng, đã được BQL gửi vào kho bạc nhà nước làm kinh phí di tu bảo dưỡng.
 
Quyết “dẹp” cảnh mỗi chân tượng một hòm công đức - 3
Tủ thờ "ông ba mươi" kiêm chức năng hòm công đức.

Người đứng đầu ngành văn hoá, du lịch xác nhận việc thực trạng nhiều nhà chùa có 4-5 hòm công đức. Việc này là sai. Theo quy định mỗi chùa chỉ có một hòm quyên tiền. Ông Tuấn cũng “hứa” sẽ nghiên cứu để xây dựng quy định cụ thể hơn về việc sử dụng tiền công đức.

Thương mại hoá, xã hội hoá văn hoá được đại biểu tỉnh Bình Dương lấy ví dụ bằng khu di tích Đại Nam ở địa phương này. Trong khu di tích du lịch văn hoá do một doanh nghiệp đầu tư, bên cạnh những “Hịch tướng sỹ”, “Nam quốc sơn hà” là thơ của ông Dũng lò vôi - chủ doanh nghiệp, trước đây làm lò nung vôi.

Hội trường cười rần rần với những ví dụ sinh động. Ông Tuấn cũng… cười trừ. Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng VH-TT&DL đặt ta những vấn đề rất gần gũi, thực tế trong đời sống.
 

Trong số 40.000 di tích, danh lam trên cả nước có hơn 3000 di tích được xếp hạng quốc gia, hơn 5.500 được xếp hạng cấp tỉnh. Hiện 1547 di tích quốc gia đã được di tu. Các địa phương cũng cải tại được gần 2000 di tích.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm