1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quyền của người đồng tính đang bị “treo” để chờ “quy hoạch”!

(Dân trí) - “Cấm có nghĩa là “không được làm”. “Không thừa nhận” giống như là “không làm được”. Về lý thuyết, người đồng tính đã chuyển từ “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền”. Quyền của người đồng tính bị “treo” để chờ “quy hoạch” trong tương lai”.

Ngày 10/3, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo luật hôn nhân và gia đình sửa đổi tại TPHCM.

Quang cảnh Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo luật hôn nhân và gia đình sửa đổi
Quang cảnh Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo luật hôn nhân và gia đình sửa đổi

Mong muốn kết hôn và có con

Nghiên cứu trực tuyến ý kiến cộng đồng người đồng tính về hôn nhân cùng giới của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) với trên 2.430 người đồng tính (NĐT) trong năm 2013 đưa đến những con số đáng lưu ý: Gần 62% người tham gia nghiên cứu đang trong mối quan hệ yêu đương cùng giới. Người đồng giới sống chung vì những lý do như hỗ trợ nhau về tinh thần, tình cảm (87,5%); 81% để thể hiện tình yêu, sự chung thủy; 70% để hoạch định tương lai, 65% thể hiện sự trưởng thành, độc lập và 47% chia sẻ chi tiêu tài chính.

Quang cảnh Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo luật hôn nhân và gia đình sửa đổi
Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh băn khoăn khi người đồng tính muốn kết hôn, muốn có con nhưng thực tế họ không thể sinh con cho nhau. 

Có gần 95% NĐT muốn pháp luật cho phép các cặp cùng giới kết hôn. Bên cạnh đó, lại có 61% người đồng tính trong độ tuổi kết hôn mong muốn có con để gắn bó đôi lứa, để đảm bảo cuộc sống khi về nhà và để nối dõi tông đường.

TS Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE cho biết thêm, trên 40% người được khảo sát cho biết họ sẽ kết hôn dị tính. Như vậy có khả năng khoảng 600.000 sẽ có vợ hoặc chồng là người đồng tính và họ trở thành bình phong để người đồng tính che giấu xã hội và gia đình.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến người đồng tính mà còn tác động rất lớn đến người dị tính khi họ trở thành bình phong. Hai người dị tính không yêu mà sống chung đã rất khủng khiếp chứ chưa nói người đồng tính sống với dị tính”, ông Bình nhấn mạnh.

TS Lê Quang Bình: Dự thảo đang treo quyền của người đồng tính.
TS Lê Quang Bình: "Dự thảo đang "treo" quyền của người đồng tính".

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ băn khoăn trước kết quả nghiên cứu này. Bởi dường như đang có nghịch lý ngay trong mong muốn của người đồng tính vừa muốn kết hôn đồng giới nhưng phần lớn họ lại muốn có con.

“Người đồng tính muốn kết hôn và có con nhưng thực tế thì không thể sinh con cho nhau mà chỉ có thể có con với người thứ 3. Điều này nảy sinh rất nhiều vấn đề khác nên chúng ta cần cân nhắc có nên thừa nhận hôn nhân đồng giới hay không”, bà Thịnh bày tỏ.

Dự thảo “treo” quyền?

TS Lê Quang Bình cho rằng dự thảo luật bản 7 tháng 2/2014 bỏ điều “cấm” thêm điều “không thừa nhận" hôn nhân giữa người cùng giới thì không khác nào trao quyền cho người ta nhưng… treo nó lại.

Ông Bình phân tích: “Cấm có nghĩa là “không được làm”. Còn “không thừa nhận” thì giống như là “không làm được”. Về lý thuyết, người đồng tính đã chuyển từ “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền”. Như vậy quyền của người đồng tính trở thành quyền “treo” để chờ “quy hoạch” trong tương lai”.

Người đồng tính bày tỏ họ đang không được thừa nhận bởi chính pháp luật. 
Người đồng tính bày tỏ họ đang không được thừa nhận bởi chính pháp luật. 

Còn thực tế sự thay đổi này không mang lại nhiều thay đổi về quyền và nghĩa vụ pháp lý. Người đồng tính vẫn tiếp tục sống chung với nhau và không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích trong việc chung sống như thừa kế, đại diện thân nhân, tài sản, con cái…

Viện trưởng Viện iSEE cho rằng, hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng, không phân biệt giới tính là cách giải quyết bình đẳng, tiến bộ và triệt để nhất.

Tuy nhiên, với thực tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm xã hội (trên 1/3 người dân ủng hộ hợp pháp hôn nhân đồng giới, một phần lớn ủng hộ công nhận quyền sống chung như vợ chồng của người cùng giới, đa số ủng hộ quyền nhận con nuôi và nuôi con chung, quyền thừa kế tài sản… của NĐT) và nhu cầu thực tế của NĐT, ông Bình cho rằng dự thảo luật nên áp dụng hình thức “chung sống có đăng ký” hay còn gọi là “kết hợp dân sự” là khả thi và phù hợp nhất.

“Luật không cần đi trước quan điểm xã hội nhưng cần thể hiện đúng quan điểm xã hội”, ông Bình nêu quan điểm.

Chia sẻ tâm tư trước các đại biểu nghiên cứu lập pháp, các đại biểu Quốc hội, ông Huỳnh Minh Thảo , Giám đốc truyền thông ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính ở Việt Nam) cho hay, người đồng tính đang bị kỳ thị bởi những từ ngữ ngay trong dự thảo.

Một cặp đồng tính nữ đang sống chung tại TPHCM. 
Một cặp đồng tính nữ đang sống chung tại TPHCM. 

Ông Thảo nói: “Từ “không thừa nhận” gây tổn thương ghê gớm với chúng tôi. Trong cộng đồng các bạn nói với nhau rằng mình có được xã hội, pháp luật thừa nhận đâu. Chúng tôi chờ đợi một quyết định nằm ở sự anh minh của mọi người”.

Yến, một đồng tính nữ chia sẻ, bản thân cô và bạn gái đã vượt qua kỳ thị từ gia đình, xã hội để đến được với nhau. Nhưng đến lúc này, họ lại gặp rào cản từ chính pháp luật – pháp luật không thừa nhận thì những cố gắng trước đó của họ đã đổ ra sông, ra biển.

“Pháp luật không chạm đến với chúng tôi bởi chúng tôi không được thừa nhận.Vậy phải chăng chúng tôi không cần đến luật pháp?”, cô gái 32 tuổi gửi lời thay cho nhiều người đồng tính đến các đại biểu Quốc hội và những nhà làm luật. 

Theo nghiên cứu trưng cầu ý kiến người dân về hôn nhân cùng giới của Viện xã hội học, Viện chiến lược và chính sách y tế và iSEE cùng tiến hành cho kết quả đa số người dân cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình (72,7%) hay cá nhân họ (trên 63%).

33,7% người dân ủng hộ hợp pháp hôn nhân cùng giới, trên 41% ủng hộ công nhận quyền sống chung như vợ chồng của những người cùng giới tính. Người có trình độ học vấn cao có xu hướng ủng hộ hôn nhân đồng giới.

Nghiên cứu thực hiện trong năm 2013 với gần 5.300 người dân ở độ tuổi 18 – 69 tại 8 tỉnh thành.

Hoài Nam