1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quy hoạch Vùng TPHCM thành trung tâm kinh tế lớn của châu Á

(Dân trí) - Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt từ năm 2008, chính thức công bố vào năm 2009. Nay Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng đánh giá việc thực hiện quy hoạch này và đề xuất những điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể, ngày 3/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký ban hành quyết định số 1065/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng đô thị ngang tầm khu vực và châu Á

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Vùng TPHCM rộng đến 30.404 km2; bao gồm TPHCM và 7 tỉnh lân cận là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. Vùng TPHCM được quy hoạch phát triển theo mô hình tập trung - đa cực với TPHCM là đô thị hạt nhân.

TPHCM hiện nay sẽ là đô thị hạt nhân của Vùng TPHCM rộng hơn 30.000km2
TPHCM hiện nay sẽ là đô thị hạt nhân của Vùng TPHCM rộng hơn 30.000km2

Theo quy hoạch này, Vùng TPHCM sẽ có một đô thị hạt nhân (gồm TPHCM hiện tại và một số khu lân cận) và 5 cực phát triển với 5 vùng đô thị đối trọng bao gồm: Vùng đối trọng phía Đông Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu), vùng đô thị đối trọng phía Đông (Đồng Nai), Vùng đô thị đối trọng phía Bắc (Bình Phước), Vùng đô thị đối trọng phía Tây Bắc (Tây Ninh), Vùng đô thị đối trọng phía Tây Nam (Long An, Tiền Giang).

5 vùng đô thị đối trọng này sẽ được phát triển nối kết với đô thị hạt nhân bởi các trục hành lang kinh tế hướng tâm (hướng về TPHCM) dựa vào các trục giao thông chính, tuần tự như sau: quốc lộ 51, quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22 - Xuyên á, quốc lộ 1A đi Cần Thơ.

Đô thị hạt nhân với TPHCM hiện nay là trung tâm, các đô thị trong phạm vi bán kính 30km từ trung tâm này sẽ là các đô thị vệ tinh độc lập (TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một) và các đô thị vệ tinh phụ thuộc (Nhơn Trạch, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An…).

Từ quy hoạch cơ bản trên, các quy hoạch khác như giao thông, đô thị, khu công nghiệp… sẽ triển khai thống nhất, đồng bộ. Mục tiêu của quy hoạch là để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ, phân công hợp lý để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Chính phủ hy vọng sẽ phát triển Vùng TPHCM thành một vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại và là trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á.

Đề xuất các điều chỉnh hợp lý

Sau hơn 5 năm thực hiện quy hoạch xây dựng vùng TPHCM, Chính phủ đã ra quyết định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và bộ ngành liên quan đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch trên và các quy hoạch ngành liên quan, đề xuất điều chỉnh hợp lý.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu đánh giá các nội dung như: Ưu điểm và hạn chế của đồ án trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội mới của quốc gia, quốc tế; Các chương trình, dự án, chiến lược phát triển ngành đã và đang được triển khai trong vùng, đặc biệt là các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành của vùng TPHCM và các tỉnh trong vùng; Chính sách phát triển vùng, cơ chế quản lý và liên kết vùng, công tác triển khai các dự án quy hoạch…

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển vùng và công tác thực hiện quy hoạch. Từ đó, dự báo phát triển vùng về tất cả các mặt, nghiên cứu mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, xác định các nội dung chính cần điều chỉnh trong đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030… Một số nội dung Chính phủ yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh cụ thể là phân bố các vùng chức năng, định hướng tổ chức không gian vùng, mô hình tổ chức giao thông…

Trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu điều chỉnh cấu trúc không gian vùng phải đáp ứng yêu cầu kết nối với các vùng kinh tế lớn trên thế giới và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đặc biệt là kết nối giữa vùng đô thị trung tâm với các cực phát triển đối trọng trong vùng.

Tùng Nguyên