1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Quy hoạch “nửa mùa”, dân chịu khổ

(Dân trí) - Suốt 11 năm nay, những người dân nơi đây dù sở hữu những mảnh đất có sổ đỏ nhưng không được bán, không được thế chấp ngân hàng, thậm chí không được xây dựng nhà trên đó. Câu chuyện khó tin này đang diễn ra với 23 hộ dân sống gần Nhà máy đường Quảng Nam (huyện Quế Sơn), nằm gần quốc lộ 1.

Khu đất rộng 13.200 m2 thuộc sở hữu của 23 hộ dân. Năm 1990, họ được UBND huyện Quế Sơn cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Mọi chuyện vẫn yên ổn cho đến ngày Nhà máy đường Quảng Nam (NMĐQN), trực thuộc Công ty Lương thực TW 3, đến làm “hàng xóm”.

 

Để tạo điều kiện cho nhà máy, Thủ tướng chính phủ có quyết định 591 (ngày 12/9/1995) giao cho nhà máy gần 79.000 m2 đất trong vòng 50 năm, trong đó gồm 65.000 m2 để xây nhà máy và gần 14.000 m2 để mở rộng đường giao thông. Theo quyết định này, toàn bộ diện tích đất mà huyện Quế Sơn đã cấp cho 23 hộ dân nằm trọn trong vùng quản lý của nhà máy.

 

Để tránh xảy ra thiệt hại cho nhân dân địa phương trong vùng quy hoạch, quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Công ty Lương thực TW 3 phải thực hiện việc đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản và hoa màu cho các chủ sử dụng; phải sắp xếp ổn định chỗ ở cho các hộ dân thuộc diện di dời.

 

Sau khi nhận được quyết định này, cả 23 hộ dân đều đồng ý di dời với điều kiện nhà máy phải đền bù một lần nhà cửa, đất đai để họ có tiền đi chỗ khác sinh sống. Nhưng phía nhà máy lại chỉ đền bù một nửa, chủ yếu cho phần đất vườn và ruộng; riêng phần nhà vẫn để nguyên. Theo giải thích của phía nhà máy thì họ chỉ đền bù trước số diện tích nằm trong quy hoạch xây nhà máy, còn phần mở rộng đường giao thông thì do chưa có nhu cầu nên chưa đền bù (?!).

 

Điều đáng nói là tiền đền bù cho đất vườn và ruộng rất thấp. Dân mất đất canh tác, không còn phương tiện kiếm sống. Trong khi đó, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, huyện đã kiểm kê cả phần nhà của dân và không cho phép họ sữa chữa, xây dựng, cơi nới, mua bán. Như vậy, tính đến lúc này, toàn bộ 23 sổ đỏ do UBND huyện cấp hoàn toàn vô giá trị.

 

Trong số 23 hộ dân nói trên, ông Lý Huynh có diện tích đất cấp và khai hoang thêm lớn nhất, 3.000 m2. Tuy nhiên, số tiền đền bù cho toàn bộ ruộng vườn của ông chỉ có 174.000 đồng, nhưng ông chưa nhận. Còn lại ngôi nhà, đã xuống cấp bao nhiêu năm qua nhưng không được sửa chữa. Các con ông chán bỏ đi nơi khác. Năm 2003, vợ ông mất, ngôi nhà giờ còn mình ông sống, sập sệ, hoang tàn.

 

Trường hợp tréo ngoe khác là nhà ông Nguyễn Tấn và nhà ông Nguyễn Cần. Hai ông ở trong một ngôi nhà đôi, chung bức tường ngăn. Cả hai cùng yêu cầu đền bù một lần nhưng không hiểu sao nhà máy chỉ đền bù nhà cho ông Nguyễn Cần. Đền bù xong, nhà máy đập nhà ông Cần. Còn lại một nửa ngôi nhà không ở được, ông Tấn đành phải ngậm ngùi bỏ không ngôi nhà, đi nơi khác làm ăn.

 

Hầu hết các hộ dân còn lại cũng cùng chung cảnh khó khăn về kinh tế, bất ổn định về tinh thần. Nhất là từ khi Nhà máy đường Quảng Nam giải thể (năm 2004), họ càng hoang mang, không biết kêu ai. Toàn bộ các ngôi nhà đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, khung cảnh xung quanh thì hoang tàn, quạnh hiu. Đơn thư khiếu nại, kêu cứu của họ đã được gửi đi gửi lại rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được hồi đáp.

 

Ông Trần Ngọc Kính, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quế Sơn, cho biết: chính huyện cũng bối rối không biết giải quyết thế nào. “Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản yêu cầu nhà máy giải quyết đền bù rốt ráo cho dân nhưng nhà máy viện lý do chưa sử dụng đến phần nhà của dân nên chưa đền bù. Bây giờ nhà máy đã hai lần đổi chủ, rồi giải thể, huyện chúng tôi cũng không biết lấy kinh phí đâu để đền bù và tái định cư cho dân”.

 

Có thông tin cho rằng, sở dĩ NMĐQN không đền bù giải toả dứt điểm toàn bộ diện tích đất là vì nhà máy phát hiện phần đất xây nhà đã nằm trên hành lang đường bộ (theo Nghị định 2003 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 21/12/1992). Như vậy, họ cho rằng các hộ dân đã xây nhà trái phép nên không cần phải đền bù, các hộ trước sau cũng phải ra đi.

 

Nếu phát hiện của nhà máy là đúng thì chẳng lẽ huyện sai, cấp sổ đỏ cho nhà xây dựng trái phép?

 

Ông Trần Ngọc Kính thì khẳng định: “Huyện không sai. Huyện cấp sổ đỏ cho các hộ dựa trên QĐ 210 của HĐBT (ngày 14/7/1989), lúc đó vấn đề hành lang đường bộ chưa đặt ra. Đến khi Nghị định 64 thực hiện Luật đất đai ra đời (năm 1993), có vấn đề hành lang đường bộ, các hộ thành vi phạm hành lang an toàn đường bộ, nhưng Sở Địa chính lúc đó cũng không thu hồi Sổ đỏ của các hộ bởi đó là vấn đề lịch sử... Thực trạng dang dở của hai mươi hộ dân nói trên là do nhà máy đường đã không thực hiện đúng chủ trương của thủ tướng”.

 

Chưa biết vụ việc sẽ được giải quyết thế nào. Rốt cuộc, chỉ có người dân chịu thiệt, mất đất canh tác, nhà có cũng như không. Hơn hai mươi ngôi nhà “sống dở chết dở” đành để dành cho mấy cơn bão.

 

Liên Hương