1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quy hoạch chung chưa quyết định giải pháp cho giao thông Hà Nội

(Dân trí) - “Đề xuất cụ thể để giải quyết giao thông Hà Nội, giải quyết bài toán giao thông như đường trên cao, đường bộ, đường hầm qua sông là những vấn đề chưa quyết định”- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi về những vấn đề mới trong bản quy hoạch chung Hà Nội.

Bản quy hoạch chung Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt đã ấn định Trung tâm hành chính quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Ở cương vị Bí thư Thành ủy, ông đón nhận thông tin này thế nào?

Theo tôi, đó là sự tiếp thu rất cần thiết ý kiến của các giới ngành. Bản quy hoạch ban đầu có ý kiến đề xuất đưa các cơ quan hành chính quốc gia, Hà Nội di dời lên Ba Vì. Nhưng sau quá trình trao đổi, thảo luận thì thấy trung tâm chính trị đã mặc định ở Ba Đình, không thể tách rời trung tâm hành chính. Nhưng vẫn phải xử lý vấn đề nhiều bộ, ngành trụ sở quá chật chội, đưa đi đâu? Phương án là cần di dời ra xa hơn một chút nhưng vẫn gần trung tâm chính trị.

Quy hoạch chung chưa quyết định giải pháp cho giao thông Hà Nội - 1
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: "Dự án nào không khả thi nhất quyết không thực hiện" (ảnh: Việt Hưng)

Bản quy hoạch chung được duyệt có gì “làm khó” chính quyền thành phố?

Có khó khăn về việc rà soát, điều chỉnh trên dưới 700 dự án, mà có dự án đã có chủ trương nghiên cứu, phê duyệt các mức độ khác nhau.

Quy hoạch điều chỉnh không chỉ quy mô nhỏ mà liên quan đến nhiều vấn đề, hình thành không gian lớn. Ví dụ tiêu chí xây dựng một Hà Nội xanh sẽ có nhiều nghĩa là xây dựng đô thị không tách rời môi trường thiên nhiên, đảm bảo sự hài hoà.

Quy hoạch có đô thị mới hoàn toàn như Phú Xuyên, song lại có đô thị kế thừa như thị xã Sơn Tây vốn dĩ đã là đô thị cổ, nay mở rộng, nâng cấp lên.

Tất cả những điều đó đòi hỏi quy hoạch lại, cần nguồn lực, tài chính.

Vẫn không ít ý kiến lo ngại về những vấn đề khó khả thi như dự án thành phố bên sông Hồng, hầm chui qua sông Hồng?

Dự án nào không khả thi thì nhất định không thực hiện. Vậy nên mới cần sự phản biện của giới khoa học, của nhân dân. Việc gì dư luận đúng thì phải tiếp thu. Cái gì không phù hợp phải cố gắng chỉnh lý.

Còn kỳ vọng gì đặt ra với quy hoạch chung, thưa ông?

Đề xuất cụ thể để giải quyết giao thông Hà Nội, đề xuất giải quyết bài toán giao thông như đường trên cao, đường bộ, đường ngầm dưới lòng đất, trong đó có cả đường hầm chui dưới sông.

Có thể hình dung được những đường nét gì còn lại Hà Nội khi thực hiện quy hoạch toàn diện này?

Tiêu chí xây dựng quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn 2050 đặt ra là xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Tiêu chí đó vừa tiếp thu, kế thừa những nguyên tắc xây dựng Hà Nội trước nay, vừa mong muốn, hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại. Mô hình thủ đô vì thế có đô thị trung tâm, gọi là đo thị lõi và 5 đô thị vệ tinh.

Quá trình làm quy hoạch chung là lâu dài chứ không phải 5-10 năm nên có lộ trình, bước đi, không thể vài năm xong ngay được. Trên cơ sở định hướng chung mới có quyết định điều chỉnh đô thị trung tâm theo hướng giảm bớt mật độ vùng nội đô, giảm bớt cơ sở kinh tế, xã hội không phù hợp, ví dụ như nhà máy lạc hậu, gây ô nhiễm. Điều đó không có nghĩa là bê nguyên nhà máy ấy ra đặt một chỗ khác mà khi dời tới nhà máy khác, công nghệ sẽ tiên tiến hơn.

Dân cư đô thị trung tâm sẽ giảm mật độ ở vùng lõi, đảm bảo mức sống đầu người dù ở trung tâm hay ở ngoại vi đều cao hơn. Các công trình xã hội phục vụ cuộc sống dân sinh đồng bộ hơn, trường học, bệnh viện, công viên… Đấy là những tiêu chí và lộ trình xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Nhưng từ nay đến những mốc thời gian đặt ra, Hà Nội sẽ trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo nữa. Có gì đảm bảo quy hoạch sẽ được thực hiện thống nhất?

Hai vấn đề đó đều có thể xảy ra. Tư duy những người tham gia xây dựng, phê duyệt quy hoạch hôm nay có thể chưa lường được tốc độ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của Thủ đô 20 năm sau sẽ như thế nào nhưng đã có định hướng chung. Lúc đó sự điều chỉnh nếu có sẽ không phải tuỳ tiện mà là khách quan. 

P.Thảo (ghi)