1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Quy định pháp luật dày đặc, án oan sai vẫn... rất nhiều”

(Dân trí) - “Tôi rất băn khoăn về trình độ thẩm phán chưa đạt. Còn quy định pháp luật dù dày đặc nhưng chúng ta xét xử vẫn để oan sai rất nhiều”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi trình xin ý kiến Quốc hội.

Ngày 25/11, cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá, trình độ thẩm phán hiện nay chưa đạt. Trong khi đó, quy định luật pháp rất nhiều - có luật mà xử vẫn còn sai. “Luật quy định rất dày đặc, nhưng chúng ta xét xử vẫn oan sai rất nhiều, nên tôi đề nghị phải có tính toán rất kỹ”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu thực trạng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng quy định pháp luật dày đặc nhưng việc xét xử vẫn oan sai nhiều.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng quy định pháp luật dày đặc nhưng việc xét xử vẫn oan sai nhiều.

Về vấn đề áp dụng pháp luật trong Bộ luật dân sự, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu nguyên tắc, không có luật thì áp dụng sự thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì áp dụng theo tập quán, nếu không có tập quán thì có thể áp dụng nguyên tắc tương tự, không có nguyên tắc tương tự thì cần áp dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Nếu không áp dụng được nguyên tắc tương tự thì tòa án phải dựa trên lẽ công bằng và đạo đức xã hội để xét xử.

Theo đại biểu, thực hiện được nguyên tắc trên sẽ giải quyết thông suốt mọi việc vì hiện nay rất nhiều người dân khổ sở với thực tế tòa không thụ lý đơn của họ. Có rất nhiều vấn đề người dân đã khởi kiện lên tòa án mà cơ quan xét xử trả lại hồ sơ với lý do chưa có luật điều chỉnh khiến người dân không biết phải "đâm đơn" tới đâu. Theo đại biểu, nếu tòa án không chấp nhận đơn, người dân có quyền kháng nghị, kháng cáo lên tòa cấp trên để có người xét xử.
 
“Nếu như áp dụng được những nguyên tắc, quan điểm rõ ràng như trên, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của người dân”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) hoàn toàn đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chế định tập quán và áp dụng tương tự pháp luật quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành. Ông Dũng lập luận, kinh nghiệm của nhiều nước có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh vẫn áp dụng chế định này, nhất là đối với việc xử lý các tranh chấp dân sự.

“Ở nước ta hệ thống pháp luật dân sự chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên càng phải tiếp tục thực hiện chế định này trong luật hiện hành. Đưa vào sửa đổi, bổ sung luật lần này để nhằm xử lý các lỗ hổng khiến nhiều quan hệ dân sự đang diễn ra hàng ngày nhưng chưa được Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành điều chỉnh”, đại biểu Dũng nói.

Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề cập đến chế định bảo vệ quyền dân sự. Ông Bộ chỉ rõ, Điều 21 của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) có quy định Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có quy định pháp luật để áp dụng. Trong trường hợp này, phải áp dụng tập quán và tương tự pháp luật, tức là áp dụng Điều 12, Điều 13 để giải quyết.

“Theo tôi, quy định trên mang tính chất hướng dẫn tố tụng chứ không mang tính chất của một luật nội dung, trong khi đó chúng ta đã có riêng Bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời, quy định trên trái với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Mặt khác, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã quy định việc áp dụng tương tự pháp luật và áp dụng tập quán để giải quyết khi không có điều luật áp dụng thì không cần thiết phải có thêm quy định nêu trên”, đại biểu Bộ phân tích vấn đề.

Về nguyên tắc áp dụng tập quán, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, quy định mang tính giải thích tập quán nhiều hơn là giải thích luật. Theo đại biểu, các bên trong quan hệ dân sự được áp dụng tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư để giải quyết các vụ việc dân sự mà pháp luật chưa quy định theo nguyên tắc không trái với đạo đức xã hội và các quy định của Bộ luật này.

Quang Phong