1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy định đội mũ bảo hiểm lại gặp vướng mắc

Việc quy định và thực hiện đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên mô tô, xe máy từ năm 1997 đến nay luôn có nhiều ý kiến khác nhau. Vào thời điểm hiện nay, một sự việc tương tự đang xảy ra giữa Bộ Tư pháp với nhiều địa phương về tính pháp lý của một số quy định bắt buộc đội MBH.

Năm 2005 đánh dấu một bước chuyển lớn trong việc thực hiện quy định đội MBH trên phạm vi cả nước. Khi đó lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã bắt đầu tập trung xử lý người vi phạm không đội MBH trên những đoạn đường bắt buộc phải đội MBH.

Bên cạnh quy định bắt buộc đội MBH trên quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành, nhiều địa phương đã thực hiện quy định bắt buộc đội MBH trên một số tỉnh lộ, đường đô thị và đặc biệt một số tỉnh như Yên Bái buộc người "ngồi lên xe phải đội MBH".

Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng một số quy định đội MBH do địa phương ban hành là vượt thẩm quyền, cần phải bãi bỏ.

Trong thực tế, ở nhiều cuộc họp quan trọng bàn về công tác bảo đảm trật tự ATGT, đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ theo hướng phân cấp ban hành quy định đội MBH cho địa phương, nhưng lại chưa được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật, nên mới có chuyện vượt thẩm quyền.

Cụ thể là: mục 2 của Ðiều 28 (Luật Giao thông đường bộ) nói về thẩm quyền: "Việc đội MBH đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh và ba bánh, xe gắn máy do Chính phủ quy định".

Trong hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ (Ðiều 8, Nghị định 14 của Chính phủ ngày 19/2/2003) lại chỉ nói về trách nhiệm của người tham gia giao thông: "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh và ba bánh, xe gắn máy phải đội MBH khi đi trên các tuyến đường bộ quy định phải đội MBH".

Như vậy, chưa có văn bản nào ghi rõ: Chính phủ ủy quyền cho UBND các tỉnh, thành phố quy định đội MBH trên tỉnh lộ, huyện lộ... Song trong phân cấp quản lý giao thông, Bộ GTVT chỉ quản lý quốc lộ (và đã có quy định đội MBH trên quốc lộ), còn từ tỉnh lộ trở xuống do chính quyền địa phương quản lý.

Từ đó, không ít người quan niệm: quy định đội MBH trên loại đường này đương nhiên thuộc thẩm quyền của địa phương... Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương đã thu hồi những quy định mà Bộ Tư pháp cho là "vi phạm pháp luật", nhưng một số tỉnh vẫn đang đề nghị Chính phủ xem xét lại.

Ở đây, có mấy vấn đề cần xem xét: Mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) lâu dài vẫn hướng tới thực hiện quy định "ngồi lên xe là phải đội MBH". Tuy nhiên về bước đi thì không thể đồng loạt, địa phương nào có điều kiện thì  thực hiện trước ở một vài tuyến tỉnh lộ và mở rộng dần trên phạm vi toàn tỉnh, tiến tới trên phạm vi cả nước. Cho nên, quy định đội MBH của nhiều địa phương là đúng lộ trình nhưng vượt thẩm quyền, nếu xóa bỏ sẽ phải làm lại từ đầu, tốn rất nhiều công sức.

Một số chuyên gia ATGT đề nghị sớm bổ sung Ðiều 8, Nghị định 14 của Chính phủ (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ) cho phép UBND các tỉnh, thành phố quy định đội MBH trên các tuyến giao thông do địa phương quản lý (tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị...).

Ở đây không phải là việc "hợp thức" những quy định vượt thẩm quyền, mà là bổ sung những quy định đáng lẽ phải có trong văn bản pháp luật này. Tất nhiên, các địa phương đã ban hành các quy định vượt thẩm quyền cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiên quyết không để lặp lại sai lầm này.

Theo Quang Tuấn
Báo Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm